|
Đồng bào bản Huổi Lóng, xã Liệp Muội (Quỳnh Nhai - Lạng Sơn) chế biến nông sản (Ảnh: Đ.H) |
Do đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các khu vực miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, khả năng tiếp cận với các vùng trung tâm, khu vực phát triển còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số dẫn đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn nhiều khó khăn...
Những kết quả tích cực
Xác định tầm quan trọng của khu vực miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trách nhiệm và tình cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư cho địa bàn này bằng cả hệ thống cơ chế, chính sách, chương trình, dự án và nguồn lực thực hiện.
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhất là các chính sách giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin như: chính sách hỗ trợ 100% BHYT cho đồng bào DTTS ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ các điều kiện học tập, chính sách nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phương tiện nghe nhìn…
Để tạo điều kiện cho người dân tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ đất sản xuất, khai hoang ruộng bậc thang, trồng rừng; đầu tư hệ thống hồ đập, thủy lợi, đường vào khu sản xuất, tạo điều kiện cho người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Xác định vấn đề tăng cường hệ thống cơ sở vật chất cho địa bàn miền núi là giải pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện về hạ tầng sản xuất và dân sinh cho người dân trên địa bàn, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cho địa bàn này, như: Chương trình trung tâm cụm xã, Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình giao thông miền núi, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, trạm y tế xã, trái phiếu Chính phủ… ưu tiên đầu tư các dự án ODA của WB, ADB qua nhiều giai đoạn.
Nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân luôn được Nhà nước quan tâm bố trí, cân đối ngân sách cho các địa phương thực hiện, giai đoạn 2012 - 2018, Nhà nước đã bố trí là 630.764 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguồn lực Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được ưu tiên bố trí thực hiện cho địa bàn dân tộc, miền núi chiếm 70% tổng vốn Chương trình qua các giai đoạn; ngoài ra, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 52,5% tổng dư nợ cả nước trên địa bàn miền núi, dân tộc.
Với sự quan tâm ưu tiên đầu tư của Nhà nước, trách nhiệm chỉ đạo thực hiện của các địa phương và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào nghèo dân tộc thiểu số, công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Theo ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (giảm trung bình khoảng 3,5%/năm), riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm qua các giai đoạn.
Giảm nghèo còn thiếu tính bền vững
Tuy công tác xóa đói giảm nghèo vùng DTTS đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng nhìn chung, việc hoạch định chính sách giảm còn nhiều bất cập, hệ thống chính sách chưa đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và ban hành văn bản chưa chặt chẽ; chính sách thường có mục tiêu lớn, thời gian thực hiện ngắn nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao; một số chính sách định mức hỗ trợ thấp, vốn cấp không đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài nên khó khăn trong triển khai.
Tỷ lệ hộ nghèo DTTS được hỗ trợ đất sản xuất còn thấp; tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm; người dân chưa sống được bằng nghề rừng; tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương chưa được giải quyết căn cơ.
Số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh còn cao; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; ở khu vực các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, một số nơi trên 60%; xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt. Khó khăn của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều, sự chênh lệnh không chỉ về thu nhập mà cơ hội phát triển giữa vùng DTTS và các vùng khác vẫn còn lớn. Một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai.
Để giảm nghèo bền vững khu vực miền núi, dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần xác định, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cơ sở, căn cứ cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước mặc dù còn nhiều khó khăn về đời sống nhưng đã không tiếc máu xương, tiền của để nuôi nấng cán bộ, bộ đội, ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vì vậy, ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, chăm lo nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số - không để ai bị bỏ lại phía sau là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Khu vực miền núi có vị trí địa chính trị quan trọng của đất nước, là địa bàn có đường biên giới giáp với nhiều quốc gia trong khu vực, là mái nhà của khu vực đồng bằng, có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước xuôi về hạ lưu thông qua công tác chăm sóc, khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng. Vì vậy, cần xác định quan tâm đầu tư cho khu vực miền núi, nơi đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống chính là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Chính sách và chương trình hỗ trợ giảm nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần mang tính hệ thống, toàn diện, được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm nguồn lực để thực hiện, đánh giá theo kết quả đầu ra và bảo đảm tính liên thông, bao gồm từ việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối với các vùng động lực phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, tạo điều kiện để bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, đến việc hỗ trợ nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở tại chỗ, cho cộng đồng; hỗ trợ tạo sinh kế, tạo việc làm, thu nhập cho bà con gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, nhóm dân tộc, tạo sức mạnh và sự đồng thuận để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù, đồng bộ đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, nhưng chính sách giảm nghèo đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số cần theo hướng hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, có thu hồi, luân chuyển, do cộng đồng tự quản lý và tổ chức thực hiện phù hợp với phong tục, tập quán từng địa bàn nhằm khơi dậy nội lực của cộng đồng, hạn chế tư tưởng trông chờ, ý lại vào nhà nước trong quá trình thực hiện.
Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ, và có mục tiêu, kế hoạch sử dụng phù hợp đội ngũ cán bộ qua đào tạo là chìa khóa thành công trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói theo hướng bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...