Huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp.
Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV, thể hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, từ năm 2009 đến nay, Đảng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị với nhiều chủ trương, quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh liên quan đến DQTV cần phải được thể chế như: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định quan điểm “…chú trọng xây dựng lực lượng DQTV…”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đã có phát triển mới về xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng như “sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc…”; điều chỉnh tổ chức quân đội nhân dân và DQTV theo hướng: “…cân đối giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, DQTV…; xây dựng DQTV rộng khắp, có chất lượng cao”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quốc phòng Việt Nam, xác định: Khi xảy ra chiến tranh xâm lược chủ động thực hiện phương châm “làng giữ làng, bản giữ bản, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, xây dựng DQTV rộng khắp, chất lượng cao, hiệu quả thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, loại hình tổ chức kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tổ chức, huấn luyện, hoạt động của DQTV. Tập trung xây dựng dân quân thường trực các tỉnh biên giới, địa bàn trọng điểm và DQTV biển; Kết luận số 31-KL/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quân sự Việt Nam, xác định: “Xây dựng đồng bộ, phù hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và DQTV”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), chỉ rõ: "Coi trọng việc xây dựng lực lượng DQTV hoạt động trên biển, đảo".
Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”; “Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân”; “Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng...”; “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại... lực lượng DQTV vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.
Từ năm 2009 đến nay, Quốc hội đã ban hành một số luật như: Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Giáo dục năm 2015, Luật Bình đẳng giới năm 2006...
Luật Dân quân tự vệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật có nhiều quy định không còn phù hợp, thiếu thống nhất, chưa đầy đủ, đồng bộ với các Luật nêu trên và hệ thống pháp luật hiện hành về: Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của DQTV; nhiệm vụ, tổ chức, thành phần DQTV; độ tuổi, tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV; tiêu chuẩn tuyển chọn, đăng ký quản lý, thôi trước thời hạn, nghỉ thai sản, đưa ra khỏi danh sách DQTV; hệ thống chỉ huy DQTV; tổ chức DQTV thường trực, biển, điều kiện tổ chức đơn vị tự vệ trong tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp; thôn đội, thôn đội trưởng, Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã; thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị DQTV, đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội; đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã, huấn luyện, hoạt động và chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm cho DQTV.
Thứ ba, qua tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DQTV đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập về công tác DQTV là do một số quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và các văn bản thi hành Luật còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương mới của Đảng, chưa cụ thể quy định của Hiến pháp năm 2013 về DQTV và chưa phù hợp với thực tiễn đất nước.
Thứ tư, thực tiễn trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và dự báo chiến tranh nếu xảy ra trong tương lai, ở bất kỳ quy mô, hình thái, phương thức chiến tranh nào thì DQTV luôn là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở; thực hiện phương châm toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, làng giữ làng, xã giữ xã. DQTV là lực lượng phát hiện và đánh địch ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh; trụ bám địa bàn, căng kéo, kìm hãm, quần lộn, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, buộc địch phải phân tán đối phó, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng bạn tác chiến trên địa bàn. Vì vậy, xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện ngay từ thời bình, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên thì việc xây dựng Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) là cần thiết./.