Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 ​

Thứ tư, 23/08/2017 14:04
(ĐCSVN) – Ngày 21/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ nhằm phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật này.​

 

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hưng Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 22/2016/QH ngày 29/7/2016 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Theo đó, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4/10/2017.

Theo ông Phan Xuân Dũng, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tổ chức Hội thảo chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin cho các đại biểu quốc hội, các nhà quản lý, các chuyên gia về chính sách pháp luật về thực thi công tác đo đạc và bản đồ ở nước ta trong thời gian qua; cung cấp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý công tác đo đạc và bản đồ; đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ hiện hành nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách pháp luật trong việc nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng đã được nêu trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi mong và tin tưởng rằng, tại Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến đóng góp bổ ích, hữu ích để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra tốt dự án Luật, báo cáo với Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chính sách, nhiệm vụ trọng tâm và hiệu quả của dự án Luật đối với công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ ở Việt Nam.” - ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật Đo đạc và Bản đồ trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua. Để xây dựng dự án Luật này, Bộ TN&MT đã tổ chức thu thập, nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động đo đạc và bản đồ; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về đo đạc và bản đồ của các nước trên thế giới… Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức các hội thảo với các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học… đồng thời lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành địa phương; Tổ chức họp và tiếp thu các ý kiến của Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Luật khi được ban hành. Đến nay, Dự án Luật đã hoàn thiện đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định, trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ ở nước ta còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế. Hoạt động đo đạc còn chồng chéo; lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm hoạt  động đo đạc và bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; công tác xã hội hóa còn hạn chế…

Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, thống nhất việc quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc, đảm bảo việc quản lý nhà nước và triển khai thực hiện hoạt động đo đạc và bản đồ thống nhất từ trung ương đến địa phương, giữa các cấp, các ngành, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật Đo đạc và bản đồ trong thời điểm hiện tại là yêu cầu rất cấp thiết và cần triển khai thực hiện nhanh chóng.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đã tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia. Những ý kiến này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực