Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước

Thứ ba, 29/09/2015 11:19

(ĐCSVN) - Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, ngày 15/9/2015, Bộ trưởng Bộ: Tư pháp, Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước ( TTLT số 12).

Theo đó, các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có).

Theo nguyên tắc, việc xét miễn, giảm thi hành án phải được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thời hạn và các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật có liên quan. Người được xét miễn, giảm thi hành án không phải nộp chi phí liên quan đến việc xét miễn, giảm. Chi phí cho việc xét miễn, giảm thi hành án được lấy từ kinh phí hoạt động của cơ quan thực hiện việc miễn, giảm thi hành án.

Thông tư nêu rõ, điều kiện xét miễn, giảm thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể, thi hành được một phần khoản thu, nộp ngân sách nhà nước quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 hoặc một phần án phí quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự là đã thi hành được ít nhất bằng 1/50 khoản thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp người đã được giảm một phần hình phạt tiền mà lại phạm tội mới thì chỉ xét giảm tiếp khi đã thi hành được một phần hình phạt tiền chung theo quy định của Bộ luật Hình sự về giảm mức hình phạt tiền đã tuyên.

Điều 5 TTLT số 12 quy định các căn cứ để cơ quan THADS thực hiện xác minh điều kiện xét miễn, giảm THA, khắc phục việc quy định tản mạn vấn đề này của Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC. Cụ thể, có 03 căn cứ gồm:

1.Hồ sơ THA thể hiện người phải THA có khả năng được xét miễn, giảm: cơ quan THADS chủ động thực hiện việc xác minh điều kiện để xét miễn, giảm THA. Việc quy định này sẽ góp phần giải quyết các án tồn đọng không có điều kiện thi hành;

2. Cơ quan THADS xét lý do nêu trong đơn và hồ sơ THA để xác định sự cần thiết phải tiến hành xác minh điều kiện để xét miễn, giảm THA. Việc không tiến hành xác minh do không đủ căn cứ hoặc kết quả xác minh cho thấy không đủ điều kiện xét miễn, giảm đều phải thông báo cho người đã có đơn đề nghị.

3. Cơ quan THADS nhận được yêu cầu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm THA của Viện kiểm sát.

Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất việc xét miễn, giảm THA thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực nơi cơ quan THADS đang tổ chức việc THA có trụ sở.

Thông tư này có hiệu lực từ 01/11/2015./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực