Về độ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ tư, 24/06/2015 13:59

(ĐCSVN)- Bạn đọc Hoàng Văn Quang (Đại Từ, Thái Nguyên) hỏi về việc 17 tuổi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Nội dung câu hỏi: Con trai tôi năm nay 17 tuổi đánh người gây thương tích. Tôi nghe nói 18 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy con trai tôi có bị xử lý hình sự không? Mức độ bồi thường nếu có như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, con trai ông 17 tuổi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm do mình gây ra.

Tuy nhiên, ở đây ông chưa nói rõ con trai ông  đánh người gây thương tích, tỷ lệ thương tật là bao nhiêu?

Theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác: “ Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Trong trường hợp, nếu con ông cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp trên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng hình phạt sẽ do cơ quan tố tụng xem xét, quyết định.

Bên cạnh việc có thể phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật thì bạn của bạn còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại do sức khỏe bị xâm phạm. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường được quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự và theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NĐ-CP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực