Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc giữ nguyên thang điểm 10

Thứ sáu, 23/01/2015 16:14

(ĐCSVN)- Sau khi lắng nghe ý kiến từ dư luận và các thầy cô, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ giữ nguyên thang điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nêu quan điểm như vậy tại buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra ngày 22/1.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc thay đổi thang điểm chấm thi từ 10 sang 20 sẽ tạo tâm lý không ổn định cho thí sinh và giáo viên chấm thi một cách không cần thiết. Mặt khác, việc dùng thang điểm 10 hay 20 không có sự khác nhau về bản chất, tại Việt Nam nhiều kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ đã sử dụng thang điểm 100 hoặc hơn. Tuy nhiên, nếu đưa thang điểm 20 vào chấm thi cho kỳ thi sắp tới sẽ khiến giáo viên vất vả, bỡ ngỡ, còn học sinh cũng đã quen với thang điểm 10 nên sẽ giữ lại thang điểm này để tránh sự xáo trộn không cần thiết.

 

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ảnh: thanhnien.com.vn


Giải đáp băn khoăn về việc có được sử dụng Atlat trong môn thi Địa lý vào phòng thi hay không? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, dự thảo quy chế đang lấy ý kiến và thông tin cụ thể để thí sinh nắm được. Tuy nhiên, tinh thần là cho thí sinh mang Atlat vào phòng thi nhằm khuyến khích năng lực phân tích tổng hợp, không bắt học sinh học thuộc lòng, hoặc mang tài liệu vào phòng thi để lấy số liệu.

Đối với quy định thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi ở đâu? Bộ trưởng khẳng định sẽ theo đúng tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Theo đó, thí sinh tự do có thể đăng ký thi ở bất cứ đâu. Còn thí sinh đang học ở trường thì phải thi theo tổ chức.

Về cấu trúc đề thi năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ, mô hình đề thi sẽ có câu dễ, câu khó, câu vừa sức; có câu đại bộ phận thí sinh làm được, có câu một số em học yếu không làm được, có câu lại phải yêu cầu học khá; có câu để làm được thí sinh phải giỏi, xuất sắc. Đề thi phải làm hai việc: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Cấu trúc đề thi sẽ gần như đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH, CĐ năm 2014.

Về cụm thi tỉnh và liên tỉnh, Bộ trưởng cho rằng, để đảm bảo độ tin cậy, khách quan, cần phải làm các cụm liên tỉnh. Mặt khác, cách làm cụm thi như vậy để thiết kế cho các thí sinh dự thi vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh ĐH, ngoài cái lợi là thi một lần, thì khoảng cách thi ngắn hơn. Những năm trước, thí sinh phải về thành phố lớn để dự thi, nay chỉ sang tỉnh bên cạnh.

Đối với thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, nếu phải sang tỉnh bên thì quá vất vả. Do đó, Bộ GD&ĐT cân nhắc ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, một số tỉnh khó khăn ở Tây Bắc, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, với các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, không dùng kết quả thi đó để xét tuyển ĐH thì tổ chức tại địa phương, nhưng quy trình xét tuyển như cụm thi khác.

Bộ trưởng chia sẻ, với các trường ĐH, CĐ dùng kết quả thi phổ thông thì các thí sinh vẫn được xét tuyển bình thường. Tất cả các trường đều cùng xét từ đợt 1, không phân biệt trường nào được xét tuyển đợt 1, trường nào được xét tuyển đợt 2. Thời gian chính thức công bố quy chế này dự tính vào 10 ngày đầu của tháng 2/2015 sau khi Bộ GD&ĐT nghe ý kiến góp ý từ nhiều phía./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực