Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm áp lực và tốn kém

Thứ ba, 23/12/2014 17:47

(ĐCSVN)- Ngày 23/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã trả lời trực tuyến trên Báo điện tử VnExpress về các nội dung trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2015.

Đã tính toán đến lợi ích của học sinh

Một độc giả là giáo viên băn khoăn khi học sinh của cô thi tốt nghiệp THPT mà phải đi hàng trăm km về thành phố dự thi, vậy Bộ GD&ĐT có nghĩ đến sự lãng phí này không? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: Khi thiết kế phương án thi THPT quốc gia thì đối tượng đầu tiên Bộ quan tâm và ưu tiên là học sinh, bao gồm cả học sinh THPT, GDTX, cả đối tượng dự thi chỉ để công nhận tốt nghiệp, các em có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chúng ta giảm được một kỳ thi thì sẽ giảm được kinh phí rất lớn để tổ chức hội đồng ra đề, kinh phí in sao, vận chuyển, bảo mật, chi cho các lực lượng đảm bảo an toàn, bí mật, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của thí sinh và phụ huynh. Với các cháu thi để vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, phải thi 2 lần, đi xa nhà, đến các cụm thi tại các thành phố lớn... thì bây giờ chỉ đi 1 lần. Lần này xa hơn lần thi tốt nghiệp nhưng gần hơn lần đi thi ĐH trước đây.

 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến. Ảnh: VnExpress


Về bài thi, Bộ trưởng cho hay, trước đây học sinh phải làm 7 bài gồm 4 bài tốt nghiệp và 3 bài của 1 khối thi, cháu nào thi 2 đợt thì phải thi 3 môn nữa, nếu dự thi hết phải thi 13 bài. Giờ các cháu làm tối thiểu 4 bài, nếu đăng ký thêm thì có thể 5,6 tối đa là 8 bài. Như vậy bài thi làm ít, thời gian lưu trú ngắn. Không phải về các trung tâm thành phố thì chi phí đỡ đắt đỏ, những khó khăn về mặt kỹ thuật sẽ giảm thiểu. Về phía nhà trường, ngân sách trung ương sẽ tiết kiệm được nhiều.

Đối với các cháu chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ thi 4 môn - số lượng bài thi như những năm trước. Đi lại thì xa hơn, trước đây từ xã lên huyện thì nay phải lên tỉnh. Bộ GD&ĐT chủ trương các cháu không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi. Trước đây địa phương phải lo 100% cho các cháu thi tốt nghiệp, nay chỉ lo cho một phần nhỏ các cháu chỉ thi tốt nghiệp, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% so với trước đây.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Chúng tôi đã trao đổi với nhiều giám đốc Sở Giáo dục trong đó có đại diện tất cả các miền từ miền núi đến đồng bằng, Hà Nội để kiểm tra khái quát, trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu. Chúng ta có khoảng 1 triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ đồng. Nay chỉ có khoảng 20% có nhu cầu thi tốt nghiệp, sẽ giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp.

Học sinh và phụ huynh, kể cả các cháu chỉ thi tốt nghiệp không có gì khó khăn. Chi phí nhà nước được tiết kiệm, chi phí của thí sinh phải bỏ ra không tăng. Những khó khăn khác sẽ có hỗ trợ như thanh niên tình nguyện, các hình thức xã hội hóa sẽ giúp các cháu vượt qua bỡ ngỡ những năm đầu tiên. Như vậy, Bộ đã tính toán đến lợi ích của học sinh và tiết kiệm chi phí cho ngân sách và áp lực xã hội.

Không có chuyện buông lỏng chất lượng “đầu vào” đại học

Trả lời câu hỏi, với việc đổi mới tuyển sinh năm tới có thể nói trừ những em không đỗ tốt nghiệp thì hầu như mọi thí sinh đều có chỗ trong một trường ĐH, CĐ nào đó. Vậy chất lượng đầu vào có thể nói là "thượng vàng hạ cám" sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và việc làm khi ra trường? Vấn đề này sẽ tiếp tục làm tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" thêm trầm trọng hơn? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải: Cơ hội, nguyện vọng đăng ký vào trường khác với chỉ tiêu. Các cháu có thể đăng ký là tăng cơ hội cho các cháu, còn có vào hay không dựa vào kết quả điểm. Chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường sẽ được xác định căn cứ trên các điều kiện đảm bảo chất lượng. Cụ thể là căn cứ vào số lượng giáo viên cơ hữu nhà trường hiện có, diện tích xây dựng tính trên đầu sinh viên, đảm bảo cho việc dạy và học cũng như ăn ở của sinh viên.

“Dựa trên chỉ tiêu này nhà trường sẽ xét các cháu từ điểm cao nhất xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì vậy không có chuyện buông lỏng chất lượng “đầu vào” và "thượng vàng hạ cám" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc giảm tải chương trình chưa đồng bộ

Một độc giả đặt vấn đề ngành giáo dục liên tục nói giảm tải chương trình, nhưng không thấy giảm được bao nhiêu. Vậy phải chăng khẩu hiệu giảm tải chỉ nằm trên văn bản giấy tờ, hô hào khẩu hiệu, chứ không thực chất? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Đây là chủ trương nhất quán của Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29. Chúng tôi đã chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống và cũng chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chủ trương này ở cơ quan Bộ cũng như các cơ sở giáo dục ở các địa phương.

“Xét bình diện chung trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều trường thực hiện khá tốt, tuy nhiên chưa đồng bộ. Còn những trường, thầy cô chưa thay đổi đồng bộ giữa việc tổ chức dạy và kiểm tra, thi cử, đánh giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc một cách mạnh mẽ, hi vọng các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương, các tổ chức như hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức sẽ phối hợp cùng Bộ” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ thêm.

Thêm nữa, cùng với việc giảm tải chương trình là sự thay đổi cách dạy cách học, đánh giá, kiểm tra, thi cử theo hướng không bắt các cháu học thuộc lòng, không khuyến khích sử dụng bài văn mẫu... Chương trình mới sẽ được thiết kế theo hướng giảm tải và chuyển sang hướng phát triển năng lực cho học sinh. Lúc đó việc truyền thụ kiến thức cho học sinh không phải mục tiêu duy nhất mà chúng ta hướng tới việc giúp cho học sinh hình thành kỹ năng và phẩm chất của người lao động mới. Cách tiếp cận như vậy sẽ giảm tải rất nhiều so với chương trình hiện nay.

Giải đáp thắc mắc, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi có quy chế hoàn chỉnh sẽ được kéo dài ít nhất là bao nhiêu năm? Tôi có con thi vào năm 2017, liệu quy chế hiện hành còn tác dụng? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Theo quyết định của Quốc hội, chương trình SGK mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến 2021./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực