Các trường cần phải làm đề án tuyển sinh riêng

Thứ ba, 14/01/2014 17:06

 

 GS Đào Trọng Thi. Ảnh: KT

(ĐCSVN)- Trước đề xuất của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nên bỏ quy định nộp đề án tuyển sinh riêng, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất này.

“Tôi ủng hộ việc các trường phải làm đề án tuyển sinh riêng, vì các trường được giao quyền tự chủ nhưng chuyện thực hiện quyền tự chủ còn mới mẻ, bỡ ngỡ;... Nếu cho anh làm, anh làm bừa thì ai chịu. Trong trường hợp không công nhận kết quả thi của trường thì lại ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh. Bởi vậy, từng trường phải tự giác làm đề án tuyển sinh riêng và lấy ý kiến của xã hội, phụ huynh để hoàn chỉnh đề án phù hợp với mình, đó là yêu cầu” – GS Đào Trọng Thi chia sẻ.

GS Đào Trọng Thi cho rằng, trong thời gian đầu, khi chúng ta còn chập chững vào chuyện tự chủ, ý thức tự giác chưa cao, năng lực tự chủ còn có cái bất cập, thì phải làm đề án. Và đề án cần phải có những cơ quan có trách nhiệm, có khả năng để đánh giá, giám sát. Bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước không phải duyệt đề án mà chỉ góp ý, nhận xét xem trường đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định hay chưa. Trong tương lai, khi các trường có ý thức cao trong thực hiện trách nhiệm tự chủ của mình thì lúc đó không nên xem đề án trước mà nên hậu kiểm. Tức là, sau khi trường thực hiện sẽ kiểm tra xem họ làm có đúng quy định hay không.

GS nhấn mạnh, đây chỉ là bước đầu, còn trong tương lai, tự chủ là các trường tự làm, tự chịu trách nhiệm. Nếu làm sai sẽ bị xử lý. Nhưng phải nói rằng, trường sai thì chỉ chịu một phần, còn học trò chịu 10 phần. Lúc đó, ai chịu trách nhiệm trước trò.

Cũng nằm trong đề xuất của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nên bỏ điểm sàn ngay trong kỳ tuyển sinh 2014, GS Đào Trọng Thi cho rằng: Tự chủ đại học không nói đến điểm sàn. Điểm sàn là một giải pháp tình thế khi chúng ta sử dụng kỳ thi “3 chung”, muốn có một ngưỡng nào đó để quản lý chất lượng đầu vào. Nó không phải là một yếu tố bất biến. Nếu các trường tự tổ chức tuyển sinh sẽ không còn khái niệm điểm sàn.

“Khái niệm điểm sàn là giải pháp tình thế. Nếu không có điểm sàn, chúng ta phải có một giải pháp khác để kiểm soát chất lượng đầu vào. Khi các trường tự tuyển sinh, lúc ấy không thể dùng điểm sàn như hiện nay được nữa. Khi ấy, phải có sáng kiến, giải pháp mới để giải quyết vấn đề đó” – GS Đào Trọng Thi bày tỏ.

Một trong những nội dung nhiều lần được Hiệp hội kiến nghị nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một, GS Đào Trọng Thi cho rằng, Hiệp hội đề nghị như vậy là trái với tinh thần của Luật Giáo dục đại học. Luật Giáo dục đại học không nói đến bỏ kỳ thi đại học mà chỉ giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, có cơ sở giáo dục đại học không tổ chức thi, xét tuyển; nhưng có cơ sở vẫn muốn thi. Họ có quyền lựa chọn. Vậy thì bỏ thế nào? Đề nghị ấy trái với tinh thần của tự chủ đại học, là tước quyền tổ chức thi của các trường.

Liên quan với kiến nghị bỏ khối thi, GS cho hay, khi áp dụng cho một số lượng cơ sở giáo dục ĐH lớn mới đưa ra khối thi. Đây là một cách chúng ta phân ra để phù hợp với các ngành nghề tuyển sinh. Còn với một số lượng nhỏ, các trường có thể lựa chọn khối thi cũng được, nhưng khối thi đó phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường. Ví dụ, có khối A, nhưng có trường không thi Toán, Lý, Hóa mà là Toán, Lý, Sinh thì cũng có thể được.

Từng trường, ngành học sẽ có yêu cầu cụ thể về các môn thi, yêu cầu về đề thi với từng ngành học của trường đó. Quan trọng là phải tổ chức thi, lựa chọn môn thi, lựa chọn đề thi đáp ứng với yêu cầu của từng ngành, nghề đào tạo cụ thể của trường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực