Cần có giải pháp phù hợp để giáo dục có chất lượng hơn

Thứ hai, 08/06/2015 22:44

(ĐCSVN) - Ngày 8/6, thảo luận về tình hình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và phương hướng năm 2015, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về đổi mới giáo dục hiện nay.

 

 Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh). Ảnh: quochoi.vn


“Năm học 2014 - 2015 đã đi qua, theo tin tôi nắm bắt được thì kết quả học tập đạt cao, có trường đạt tới 100% và phần lớn loại giỏi, số ít còn lại khá, chúng ta cũng được xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng của thế giới về thành tích học tập. Tôi băn khoăn có phải là kết quả thực sự hay không khi mà căn bệnh thành tích vẫn còn đâu đó” – đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) bày tỏ.

Thêm nữa, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cũng tỏ ra bức xúc trước đạo đức xuống cấp của nhiều học sinh hiện nay. Đại biểu cho hay, trong các trường học đâu cũng có khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" hay dân gian có câu "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Ở các trường sư phạm giáo dục, người thầy, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề, tất cả đều mong muốn một nền giáo dục phát triển, thầy mẫu mực, trò lễ phép. Chúng ta luôn đặt đạo đức lên trước việc học hành, đặc biệt là các em đang tuổi học trò.

Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra không ít các trường hợp mà học sinh vi phạm đạo đức không chỉ ngoài xã hội mà ngay cả trong lớp, thậm chí xúc phạm thầy cô của mình. Không ít trường hợp các em học sinh vi phạm pháp luật ở mức đặc biệt nghiêm trọng, đâu đó người thầy đã không còn giữ được cốt cách, người thầy trở thành người bán, học sinh trở thành người mua.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương trăn trở, chúng ta đang cố gắng xây dựng ngôi trường đạt chuẩn quốc gia bao gồm cơ sở đạt chuẩn thầy dạy tốt, trò học ngoan. Tuy nhiên, về mặt đạo đức học trò còn nhiều điều cần xem xét, quá trình giám sát có giáo viên đã cho biết học trò thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm giáo viên không phải là hiếm, giáo viên không dám kỷ luật vì bị ảnh hưởng thành tích, cho nghỉ học thì thuộc quyền hiệu trưởng và ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường. Học sinh hư tự bỏ học là sự lo lắng của giáo viên, họ lo lắng một phần về tương lai các em sẽ ra sao, một phần vì thành tích mà bản thân họ bị lãnh đạo trường phê bình và bị trừ điểm thi đua.

Đánh giá đạo đức và kết quả học tập là hai tiêu chí song hành để một học sinh được lên lớp. Song bấy lâu nay giáo dục không chú trọng chữ lễ mà thấy thành tích làm đầu. Quá trình giám sát, đại biểu cho hay, đến cuối năm giáo viên không ngần ngại nâng điểm cho học sinh để các em được khá, giỏi được lên lớp. Có những cô giáo băn khoăn thì lãnh đạo trường không ngần ngại chỉ đạo trường đạt chuẩn nên thành tích không thể thấp được.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương bày tỏ sự lo lắng: “Chúng ta thường giáo dục tính trung thực, thật thà nhưng ngay tại ngôi trường mình học đã tạo ra cho các em lầm tưởng về thành tích của mình, tương lai mai sau của đất nước phụ thuộc vào các em ngày hôm nay. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến thành tích hiện tại thì tương lai các em sẽ ra sao”. Đại biểu kiến nghị ngành giáo dục, Cục khảo thí cần có giải pháp phù hợp để kiểm tra, đánh giá chất lượng và xây dựng ngành giáo dục một cách chất lượng hơn.

Đề cập vấn đề thất nghiệp của sinh viên hiện nay, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa việc tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Hiện nay, vấn đề thất nghiệp của sinh viên khiến dư luận hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua chưa có giải pháp hữu hiệu, các cơ sở đào tạo cứ đào tạo, còn sinh viên ra trường ngày một nhiều mà phần lớn không kiếm được việc làm.

“Cử tri than thở rằng: Nhà nghèo cứ động viên con học để thoát nghèo, nhịn đói, nhịn khát, thậm chí mượn tiền cho con theo học, nhưng học xong không kiếm được việc làm, nghèo vẫn hoàn nghèo, mà còn nghèo hơn vì mang công mắc nợ, thật là nghịch lý” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực