Chủ tịch lớp, Hội đồng tự quản - đừng để "bình mới, rượu cũ"!

Thứ hai, 20/07/2015 11:54

(ĐCSVN) - Tuần qua, dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Dự thảo Điều lệ Trường tiểu học sửa đổi, trong đó có quy định thay Chủ tịch và Hội đồng tự quản cho chức danh lớp trưởng và ban cán sự lớp trước đây.

Đa số ý kiến được tham khảo cho rằng, không nên thay chức Lớp trưởng của học sinh tiểu học bằng Chủ tịch lớp. Đây có thể là phản ứng nhất thời do thói quen vì tên gọi cũ đã sử dụng thân thuộc qua mấy chục năm, nhưng thay tên gọi có thực sự đảm bảo được mục tiêu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cũng như mục tiêu của dự án trường học mới (VNEN) đề ra?

Xét về mặt từ ngữ: trong tiếng Việt, Chủ tịch là người đứng đầu lãnh đạo một cơ quan làm việc theo chế độ hội đồng hoặc ủy ban, người đứng đầu nhà nước trong một số nước cộng hòa dân chủ, người điều khiển một cuộc họp. Còn từ "Trưởng" là người đứng đầu một tổ chức hành chính, tổ chức xã hội, dòng tộc. Như vậy, "Chủ tịch" và "Trưởng" là đồng nghĩa, vậy nên danh xưng nào dùng từ "Trưởng" thì không dùng từ "Chủ tịch" và ngược lại? Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có trường hợp dùng cả hai như: Tỉnh trưởng và chủ tịch tỉnh, chủ tịch xã và xã trưởng. Trong thực tế, từ "Chủ tịch" nghe cao sang hơn và trọng vọng hơn, với đơn vị nhỏ thì người ta gọi là "Trưởng". Vậy nên gọi "Chủ tịch lớp" sẽ tạo nên sự xa cách đối với tập thể học sinh, tạo thói quen háo danh từ khi còn nhỏ, nên việc dư luận lo lắng cũng là điều dễ hiểu.

Trong nhà trường, lâu nay, người đứng đầu lớp thường được gọi là "Lớp trưởng", từ đó tạo ra sự thân quen, gần gũi, dễ hiểu, nhất là đối với đối tượng là học sinh tiểu học còn rất ngây thơ, trong sáng. "Lớp trưởng" cũng là từ ngữ chuẩn xác và phù hợp nhất đối với người đứng đầu một lớp học. Không thể nói chỉ là sự thay đổi về tên gọi nên không nên dị ứng, lo lắng thái quá bởi tư duy của người lớn, bởi dùng từ ngữ chính xác, dễ hiểu cũng là nhiệm vụ giáo dục cho học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Về chức năng và cách thức, một Hội đồng tự quản bao gồm:
 

Trong các ban còn có trưởng, phó ban và thư ký. Tổ chức như thế giống một UBND chứ không phải lớp học. Thực chất thì Hội đồng tự quản vẫn làm nhiệm vụ của ban cán sự lớp trước đây. Vẫn tự quản từ giờ truy bài đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tập thể của học sinh, trao đổi thảo luận và thống nhất các nội dung hoạt động và học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ban cán sự hoạt động có hiệu quả hay không, có phát huy năng lực tự chủ của học sinh không là do nhà trường và giáo viên tổ chức học tập và hoạt động như thế nào, chứ không phải là do thay đổi tên gọi mà học sinh năng động hay tích cực hơn. Thực tế chứng minh, khi nào người giáo viên kích thích được ở học sinh khả năng vận động và giao tiếp thì khi đó, học sinh tích cực, tự tin, nhưng không phải mọi học sinh đều nhận thức được lợi ích và các hoạt động, muốn vận động và hợp tác. Ở nhiều lớp học và bậc học hiện nay, ban cán sự lớp, đứng đầu là lớp trưởng vẫn do giáo viên quan sát và sau đó giới thiệu và đề cử để học sinh bình bầu. Các em vẫn làm luân phiên để phát huy tối đa năng lực và khả năng tự chủ của một số học sinh chứ không phải cố định. Tên gọi không quyết định được sự thay đổi cách thức hoạt động của học sinh. Trong hoạt động dạy và học, người giáo viên có vai trò dẫn dắt, định hướng, tổ chức để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học sinh, lấy học sinh là trung tâm, nhưng với học sinh lớp... một, mà học sinh tự tổ chức và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động học tập của mình thông qua Hội đồng tự quản thì điều đó là không tưởng.

Một trong những mục tiêu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất người học: Trung thực, nhân văn, tự do sáng tạo, có hoài bão và lí tưởng để phục vụ Tổ quốc, cộng đồng... Việc đổi mới nên kết hợp đồng bộ từ đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, có năng lực và nhiệt huyết ở các cấp học, xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất phù hợp và đáp ứng được mục tiêu đổi mới, đổi mới về xây dựng nội dung chương trình, cách thức hoạt động. Vậy nên việc thí điểm dự án trường học mới (VNEN) ở bậc tiểu học là cần thiết, nhưng dự án triển khai có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cũng như phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và đảm bảo văn hóa truyền thống của Việt Nam, chứ không phải triển khai cho kịp tiến độ giải ngân của dự án và chứng minh tính đúng đắn của dự án trong mọi trường hợp, rồi triển khai đại trà. Như vậy chẳng phải lại là biến tướng của căn bệnh thành tích trong giáo dục?

Nhằm hướng tới mục tiêu phát huy năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, tính tự chủ của học sinh ngay khi bước vào bậc tiểu học phụ thuộc nhiều vào việc giáo dục từ gia đình, giáo dục học sinh qua mỗi bài học, mỗi hoạt động tập thể, giao tiếp, kỹ năng sống... hàng ngày, hàng giờ, tạo cho học sinh tính kỷ luật, tinh thần học tập, sáng tạo và hòa đồng, chứ không có chuyện thay tên gọi trong lớp học thì các em tự tin hơn. Có chăng chỉ tạo cho một số em tính tự mãn vì chức quyền, ích kỷ cá nhân. Mở rộng và đề cao tính tự chủ của học sinh sẽ dễ làm nảy sinh tính dân chủ quá trớn, sự đố kỵ không cần thiết, những thói quen vô cảm, suy đồi về đạo đức..., dẫn đến hệ quả gia tăng tội phạm vị thành niên. Như vậy là phản giáo dục và đi ngược lại với mục tiêu của công cuộc đổi mới.

Cũng có những ý kiến đồng tình ủng hộ khi dự án đã thí điểm ở một số trường có hiệu quả, gây sự hứng thú cho học sinh. Nhưng không phải dự án nào cho là được, cũng mang tính khả thi và hiệu quả nghiêm túc như mục tiêu và tiến trình đề ra. Cũng có ý kiến so sánh trường học của ta với trường học của một số nước phát triển như: Nhật, Ý, Mỹ... hay một số trường quốc tế ở Việt Nam, nhưng mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì họ không so sánh đến những yếu tố cơ bản mang tính quyết định như: Cơ sở vật chất của trường, lớp học, sĩ số học sinh, nội dung chương trình, học phí đóng học, lương của giáo viên...

Thay đổi là cần thiết nếu sự thay đổi đó thực sự có hiệu quả và phát huy tác dụng làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn. Trong trường hợp này, sự thay đổi tên gọi chức danh là không cần thiết, vì nó không phản ánh sự thay đổi bản chất của hoạt động dạy và học của nhà trường và học sinh. Có chăng nên phổ biến nhân rộng việc luân phiên lớp trưởng và ban cán sự lớp để nhiều học sinh có cơ hội được thử thách và phát huy khả năng chủ động, sáng tạo của cá nhân để hướng tới mục tiêu giáo dục con người Việt Nam toàn diện như mục đích của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã đề ra.

Có như thế mới tránh lặp lại chuyện “bình mới, rượu cũ”!

Hà Bùi 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực