Chưa phát hiện được nhà trường nào tổ chức việc bán bằng giả

Thứ tư, 20/11/2013 19:47

(ĐCSVN)- Chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có phát biểu bổ sung trước Quốc hội làm rõ một số nội dung liên quan đến chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ.

Trách nhiệm phân công công tác cho học sinh cử tuyển thuộc về địa phương

Về vấn đề liên quan đến giáo dục dân tộc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, chế độ ưu tiên tuyển dụng các em học sinh là người dân tộc thiểu số và một số các cháu học sinh người Kinh nhưng cùng cha mẹ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không chỉ có ưu tiên cử tuyển mà còn đào tạo theo địa chỉ cho xã đặc biệt khó khăn, như các chính sách cử tuyển, dự bị đại học và tuyển thẳng cho 125 huyện nghèo bao gồm 62 huyện thuộc Chương trình 30a, 20 huyện biên giới hải đảo đặc biệt khó khăn thuộc Tây Nam bộ và 23 huyện có tỷ lệ nghèo cao trên phạm vi cả nước.

 

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu bổ sung trước
 Quốc hội chiều 20/11. Ảnh: TTXVN


Bên cạnh đó, các em học sinh thuộc diện cử tuyển, trừ một số ngành nghề, một số trường đòi hỏi yêu cầu đặc thù về năng khiếu, còn lại các ngành khác Bộ GD&ĐT tôn trọng và tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho các tỉnh, các đồng chí lãnh đạo các địa phương thành lập hội đồng tuyển chọn theo những quy chế chung của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT và cử về. Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà trường trong toàn hệ thống là tôn trọng và đáp ứng tối đa yêu cầu về đào tạo cử tuyển của các địa phương. Trách nhiệm phân công công tác cho các em thuộc đối tượng này sau tốt nghiệp thuộc về các địa phương. Bộ và các nhà trường có trách nhiệm phải cố gắng đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng vì đầu vào nguồn tuyển chất lượng yếu.

Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã báo cáo với Thủ tướng cho phép cơ chế kéo dài thêm thời gian học văn hóa với các học sinh này, tùy vào trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh, em nào nhanh thì có thể 6 tháng, em nào chậm hơn thì khoảng 1 năm. Đây là kinh nghiệm mà Bộ có từ thời tổ chức trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và các trường dân tộc nội trú.

Chưa phát hiện được nhà trường nào tổ chức việc bán bằng giả

Liên quan đến vấn đề bằng giả và mua bán bằng cấp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, vấn đề mua bằng cấp đã diễn ra và cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa phát hiện được vụ mua bán bằng nào do các nhà trường tổ chức. Việc bán bằng cấp này chỉ xảy ra ngoài xã hội, có thể có một số thầy cô giáo vi phạm, biến chất nhưng chưa phát hiện được một nhà trường nào tổ chức việc bán bằng giả.

Gần đây Cục Xuất nhập cảnh phối hợp với các địa phương phát hiện ra khá nhiều trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để đi ra nước ngoài du lịch hoặc đi lao động xuất khẩu. Trên thực tế, ngành giáo dục và đào tạo bao gồm cả cơ quan Bộ, các trường đại học, các sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ngành công an tiến hành xác minh, điều tra và giúp cho công an phát hiện được nhiều các vụ việc khá nghiêm trọng như báo chí đã đăng.

Xử lý việc này, Bộ trưởng cho hay, Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các sở GD&ĐT trong cả nước tiến hành công khai danh sách học sinh, sinh viên của mình tốt nghiệp bao gồm cả tốt nghiệp trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ để các cơ quan sử dụng lao động, các cơ quan quản lý có trách nhiệm có thể căn cứ vào thông tin trên mạng để đối chiếu.

Bộ trưởng chia sẻ, những trường hợp tốt nghiệp 30 - 40 năm trước, lúc đó Bộ GD&ĐT chưa có công nghệ tin học, nên chưa làm được việc này. Bộ cũng không có kinh phí và cũng không đủ lực lượng để có thể cập nhật hết được ngay một lúc tất cả danh sách tốt nghiệp của những năm trước, nhưng việc này sẽ làm dần dần. Về chủ trương, Bộ đã tiến hành việc này. Hiện Bộ đang chỉ đạo để xây dựng phần mềm, để công bố cho nhân dân, các lực lượng xã hội có thể sử dụng để rà soát nếu có sự ăn cắp bản quyền, sao chép luận án để xử lý một cách triệt để việc học giả nhưng bằng thật.

Cũng liên quan đến vấn đề bằng giả, Bộ GD&ĐT thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, đã tiến hành tập huấn cho toàn bộ hệ thống thanh tra giáo dục các cấp làm việc với một số cơ quan thanh tra nhà nước ở các tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phố còn lại để tập huấn thống nhất kế hoạch phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn, trong đó có vấn đề bằng cấp giả và thật.

Đã có chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực

Giải trình về vấn đề sinh viên không tìm được việc làm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đây là một thực tế không phải chỉ của các ngành khác, ngay đối với ngành sư phạm cũng có một số lượng sinh viên tốt nghiệp mà chưa có việc làm. Hiện Bộ GD&ĐT đang tham gia  giải quyết vấn đề này nhưng cũng chưa giải quyết triệt để được. Bộ trưởng nhận có phần trách nhiệm của mình liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch, chế độ chính sách và những công cụ để mà phối hợp, kết hợp được giữa việc đào tạo với việc sử dụng lao động.

Bộ trưởng giải thích, nguyên nhân do từ khi đổi mới, nền kinh tế không phải chỉ có quốc doanh và tập thể mà có 5 thành phần, người lao động sau khi tốt nghiệp không phải chỉ làm việc ở cơ quan nhà nước mà làm việc ở rất nhiều các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng ta đã bỏ chế độ phân công công tác rồi, có nghĩa là quá trình sử dụng lao động với việc đào tạo đã được tách ra thành hai quá trình tương đối độc lập.

Phát hiện được sự bất hợp lý và bất cập trong việc lựa chọn ngành nghề khi học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thì các bộ, ngành liên quan đã thảo luận với nhau. Trên cơ sở đó kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, thực tế Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, có Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách. Hiện Bộ GD&ĐT cùng với một số lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan, lãnh đạo khu công nghiệp mới đang tập trung xây dựng và triển khai một số công việc liên quan đến việc này, như thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, xác định nhu cầu về nguồn nhân lực của một số khu công nghiệp mới như ở Vũng Áng, Nghi Xuân.

Không có quyền can thiệp vào điểm chuẩn

Trả lời thắc mắc của đại biểu khi thi đại học 27,5 điểm mà vẫn trượt vào trường ĐH Y Hà Nội trong khi đó y bác sĩ về nông thôn, về các vùng thì thiếu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Liên quan đến việc tuyển sinh vào các trường đại học thì Bộ GD&ĐT đã phân cấp cho các trường được tự chủ, các trường tự quyết định điểm chuẩn trên cơ sở điểm sàn. Trên cơ sở điểm sàn đó thì hiệu trưởng các trường đại học tự quyết định điểm trúng tuyển của mình.

“Tôi với tư cách Bộ trưởng không có quyền can thiệp vào điểm chuẩn của các nhà trường đó khi mà điểm chuẩn đó đã cao hơn điểm sàn do Bộ trưởng GD&ĐT quy định. Với trường hợp trường Đại học Y Hà Nội, học sinh đạt 28 - 29 điểm mới đỗ vào được thì chuyện các em thi 27 điểm trượt là không có gì đáng ngạc nhiên. Và về mặt luật tôi cũng không thể can thiệp” – Bộ trưởng khẳng định.

Mặt khác, Bộ trưởng cho biết, những học sinh thi điểm cao như vậy thì hoàn toàn có khả năng để lựa chọn vào các trường khác theo thông tin mà các nhà trường và Bộ GD&ĐT đã cập nhật.

Về đào tạo nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nguồn nhân lực y tế cho các tỉnh vùng khó khăn là một việc khác, như đã nói đó là chính sách cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo dự bị cho các huyện nghèo, cho các đối tượng có khó khăn, cho các đối tượng để chúng ta cần ưu tiên và cho những vùng đất mà chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương. “Qua theo dõi thực tế, tôi xin khẳng định chưa có bất cứ một cháu nào người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thuộc các đối tượng đó được 27 điểm mà trượt, không vào được nhà trường nào” – Bộ trưởng nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực