Đại biểu Quốc hội ghi nhận kết quả bước đầu đổi mới giáo dục

Thứ sáu, 12/06/2015 19:38

(ĐCSVN) – Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, bước đầu được dư luận ủng hộ. Bên lề hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu ghi nhận những kết quả đạt được của việc đổi mới giáo dục trong thời gian qua.

 

 Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch. Ảnh: VA

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tôi băn khoăn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia.

Bộ GD&ĐT tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia để nhằm 2 mục đich: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học là việc làm tương đổi mới. Tôi cho rằng, việc tổ chức như vậy sẽ giảm sự vất vả cho xã hội, cho phụ huynh và thí sinh. Thay vì tổ chức 2 kỳ thi thì nay chỉ còn 1 kỳ thi. Điều đó rất đáng khuyến khích và đáng mừng.

Vừa qua, số liệu thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp tương đối lớn, tôi nghĩ đây là chiều hướng tốt. Xưa nay các em cứ tốt nghiệp THPT là dự thi vào đại học nhưng bây giờ có thể tách việc tốt nghiệp THPT và việc thi vào các trường đại học.

Tuy nhiên, những em này vẫn có thể đăng ký vào trường đại học xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng. Đó là xét tuyển vào các trường đại học top dưới và tránh các trường đại học top trên. Đó là dấu hiệu tốt của phân luồng.

Những thí sinh đã lựa chọn thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học thì đã lựa chọn được chính xác vào trường đó. Như vậy, những trường đại học top trên chỉ dành cho những em có năng lực thực sự. Thậm chí, những học sinh có năng lực không tốt có thể không học đại học mà chuyển sang học cao đẳng, học nghề. Đó là một dấu hiệu đáng mừng!

Tuy nhiên, tôi có điều băn khoăn trước đây đánh giá tốt nghiệp THPT do các Sở GD&ĐT nhưng năm nay có sự tham gia của các trường đại học thì liệu tỷ lệ tốt nghiệp THPT có thấp hơn mọi năm không?

Ngoài ra, việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học bước đầu đã phát huy tác dụng. Có thể thấy, nếu cho tự chủ các trường sẽ rất sáng tạo, như trường hợp của Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông qua phương án tổ chức kỳ thi tuyển riêng và nhận được sự ủng hộ của các thí sinh với tỷ lệ dự thi đạt hơn 90%.

 

 Đại biểu Lê Như Tiến. Ảnh: ĐD

Đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trả lời khá rành rọt nhiều vấn đề.

Vấn đề giáo dục và đào tạo là vấn đề chung, rộng lớn được cử tri cả nước và đại biểu rất quan tâm bởi vì chúng ta thấy gia đình nào cũng có con em đi học, bất kỳ người trưởng thành nào cũng đều phải trải qua quá trình học tập, thi cử. Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đều là những vấn đề quan trọng, nóng, trúng với những vấn đề dư luận cả nước đang quan tâm; đó là đổi mới chương trình, sách giáo khoa; là đổi mới cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; là đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Buổi chất vấn hôm nay, Bộ trưởng trả lời cũng khá rành rọt, rành mạch khẳng định chỉ có 1 bộ chương trình chuẩn, nhiều bộ sách giáo khoa với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn.

Đối với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng giải đáp thỏa mãn được phần nào khi khẳng định đây là kỳ thi không phải đánh đố, tạo căng thẳng, cú sốc cho học sinh và đặc biệt giảm áp lực gia đình có con em đi thi. Bộ trưởng cũng đã khuyên các em học sinh yên tâm nếu ôn tập tốt, nắm vững kiến thức cơ bản, chắc chắn sẽ vượt qua kỳ thi này.

Ngoài ra, tôi cũng đồng tình cần sớm tạo cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học. Vừa qua, những trường đại học đủ điều kiện đã được Thủ tướng phê duyệt tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự, tự chủ về chương trình./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực