Đảm bảo công bằng giữa các cụm thi là vô cùng quan trọng

Thứ sáu, 20/03/2015 19:23

 PGS.TS Nguyễn Phong Điền.
Ảnh: VA

(ĐCSVN) - Là một trong 8 trường ĐH được giao nhiệm vụ chủ trì các cụm thi THPT quốc gia tại TP Hà Nội, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, Trường không lo lắng nhiều về cách thức tổ chức kỳ thi vì đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi có quy mô lớn. Và việc đảm bảo công bằng giữa các cụm thi là vô cùng quan trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền thì so với kỳ tuyển sinh ĐH các năm trước, điểm khác biệt đầu tiên của việc chủ trì một cụm thi THPT quốc gia như năm nay là quy mô lớn hơn. Như mọi năm, quy mô tuyển sinh của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chưa đến 10.000 thí sinh, nhưng năm nay, theo con số dự kiến Bộ GD&ĐT giao cho trường tối đa lên tới 25.000 thí sinh. Công tác chuẩn bị của Trường ĐH Bách Khoa phải dựa trên con số này.

Trong công tác tổ chức thi, chính sách của Bộ GD&ĐT là nhường mọi thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh. Việc bố trí thí sinh dự thi THPT quốc gia tại 38 cụm thi tập trung trên cả nước rõ ràng tạo thuận lợi nhiều cho thí sinh, đặc biệt là trong việc đi lại. Nếu phải di chuyển, thí sinh chỉ phải di chuyển đến tỉnh lân cận chẳng hạn Nam Định, Hà Nam lên Hà Nội thi, không phải đi quá xa. Đó là chưa kể, năm 2015, thí sinh chỉ phải dự thi duy nhất một kỳ thi là kỳ thi THPT quốc gia.

“Với số thí sinh lớn như vậy, chỉ riêng cơ sở vật chất của trường không đủ. Do đó, nhà trường chủ động liên hệ và hiện đã chốt 3 địa điểm là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng và Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tuy nhiên, tổng số phòng thi mà 3 trường cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20.000 thí sinh. Do đó, chúng tôi cũng đang tính đến phương án tiếp theo, nhưng chưa chốt lại, đó là thêm cơ sở thi tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)” – PGS.TS Điền chia sẻ.

PGS.TS Điền cho hay, mặc dù kỳ thi diễn ra trong 5 ngày, trong đó 4 ngày thi trực tiếp và 1 ngày làm thủ tục dự thi, nhưng chỉ có 3 buổi thi “căng nhất” là Toán, Văn, Ngoại ngữ, đó là 3 môn thi bắt buộc nên phải huy động tối đa 100% phòng thi, lực lượng coi thi; các môn thi còn lại do thí sinh được lựa chọn nên sẽ “nhẹ nhàng” hơn, đặc biệt là các môn thi Lịch sử, Địa lý dự báo sẽ có ít thí sinh đăng ký dự thi, do đó nhà trường đang tính phương án “co cụm” lại nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi nhất cho các thí sinh.

PGS.TS Điền khẳng định không lo lắng nhiều về cách thức tổ chức kỳ thi vì Trường ĐH Bách khoa đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi có quy mô lớn, vì có lợi thế về nhân lực (cán bộ coi thi, chấm thi); vật lực (có máy chấm thi trắc nghiệm, kinh nghiệm trong việc in sao đề thi …). Đó là chưa kể, năm nay, nhà trường còn có sự phối hợp của các Sở GD&ĐT.

“Không thể nói là tin tưởng tuyệt đối. Tôi vẫn có băn khoăn đó là mặt bằng xét tuyển vào ĐH. Kỳ thi THPT quốc gia là sân chơi chung, nên việc đảm bảo công bằng giữa các cụm thi là vô cùng quan trọng, hiểu đơn giản các trường ĐH giờ đây không phải chỉ “phục vụ” cho việc tuyển sinh mỗi trường mình, mà “phục vụ” nhiệm vụ chung. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tất cả các trường sẽ đều nỗ lực hết sức mình để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, nghiêm túc” - PGS.TS Điền bày tỏ.

Năm 2015, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi trên cả nước do các trường đại học chủ trì. Dự kiến, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là 6.000 sinh viên, trong đó 400 sinh viên thuộc các chương trình đào tạo quốc tế./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực