Đổi mới giáo dục phải đi từng bước vững chắc

Thứ ba, 07/01/2014 20:10

(ĐCSVN)- Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Làm thế nào để Nghị quyết quan trọng này sớm đi vào cuộc sống? Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương.

PV: Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được ban hành. Ngành Giáo dục đã và đang làm gì để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Đắc Hưng: Sau khi Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành, dư luận xã hội khá đồng tình và đánh giá cao nội dung của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được trình bày trong Nghị quyết.

Sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đến tất cả các cán bộ chủ chốt, các địa phương, các ngành, các cấp sẽ triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết đồng bộ và sâu rộng.

Ngành Giáo dục đang triển khai rất quyết liệt tinh thần của Nghị quyết, với quan điểm việc gì làm được là làm ngay, chủ động không chờ hướng dẫn; việc gì cảm thấy chưa chắc chắn thì nghiên cứu thận trọng trước khi đưa ra quyết định. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo tất cả các cơ quan, đơn vị trong Bộ chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch hành động và xây dựng tiểu đề án để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của các đồng chí lãnh đạo Bộ trong việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu, xuyên suốt trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là chuyển nền giáo dục từ nền giáo dục ứng thí - một nền giáo dục nặng về truyền tải kiến thức, sang nền giáo dục mở, năng động, sáng tạo. Kết quả nền giáo dục đó là tạo ra năng lực thực chất cho người học, và hơn thế nữa là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

 TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề -
Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: VA


PV: Theo đồng chí, việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT phải chăng có phần là do sức ép của quá trình hội nhập quốc tế?

Đ/c Nguyễn Đắc Hưng: Đúng vậy. Bài toán hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Sau 6 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, nước ta đã hội nhập sâu vào các hoạt động của thế giới trên hầu hết các lĩnh vực. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra ngày càng bức thiết khi cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ được thành lập. Lúc bấy giờ, chúng ta phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước trong khu vực, và mấu chốt thành công chính là chất lượng nguồn nhân lực.

Khi hội nhập sâu với thế giới thì nguồn nhân lực ở nước ngoài sẽ vào nước ta. Ngược lại, người Việt Nam có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Vấn đề là người lao động của nước ta có thể là đối tác bình đẳng với họ hay không thì tùy thuộc vào chất lượng giáo dục. Vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không chỉ tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng ASEAN trong quá trình hội nhập.

PV: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhiều lần khẳng định, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng chí đánh giá thế nào về sự lựa chọn này?

Đ/c Nguyễn Đắc Hưng: Tôi thấy việc lựa chọn khâu đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá của đổi mới giáo dục là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì từ trước đến nay, người ta thường nói “Thi thế nào thì học thế ấy”. Nếu thi mà bắt người học phải nhớ, phải học thuộc lòng thì đương nhiên người ta phải học vẹt, học tủ, phải quay cóp, phải tìm mọi cách mà nhớ được nhiều nhất, kéo theo là phải dạy được nhiều nhất kiến thức, để làm sao người học thu được nhiều kiến thức nhất. Hay nói cách khác, nếu thi theo hình thức kiểm tra trí nhớ thì sẽ dẫn đến chuyện người ta tìm cách học để nhớ nhiều.
 
Nhưng nếu như đổi mới thi, kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực thì người học sẽ phải học để hiểu và phải chú trọng rèn luyện kỹ năng. Tất nhiên, việc nhớ kiến thức cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải biến những kiến thức thu nhận được trở thành năng lực phục vụ thiết thực sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình. Nếu đổi mới việc tổ chức nội dung thi, đánh giá chất lượng thì chương trình, phương pháp dạy học trước đây sẽ trở nên lạc hậu. Ví dụ, nếu trước đây, chúng ta yêu cầu học sinh “tầm chương, trích cú” thì bây giờ, việc này trở nên không cần thiết vì trên mạng internet đã có đầy đủ thông tin rồi. Nhiệm vụ của thầy, cô giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà quan trọng hơn là phải dạy cách học, dạy học sinh cách khai thác thông tin, cách xử lý thông tin, cách ứng dụng kết quả mà mình thu nhận để ứng dụng vào cuộc sống, để xử lý những vấn đề xung quanh. Đấy chính là cách học để hiểu, để vận dụng kiến thức.

PV: Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng chí nghĩ thế nào về những khó khăn này?

Đ/c Nguyễn Đắc Hưng: Vấn đề đặt ra ở đây là, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì ai sẽ được hưởng lợi? Trước hết, đó là người học, bởi vì người học sẽ được học những kiến thức họ cần, chứ không phải học cái mà nhà trường có. Tức là, người ta học để phát triển phẩm chất và năng lực. Tiếp đó là gia đình, cộng đồng, xã hội cũng sẽ được hưởng lợi, vì con người vừa là sản phẩm của tự nhiên, vừa là sản phẩm của xã hội. Vì vậy, sự trưởng thành của mỗi cá nhân sẽ góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Việc chuyển từ học theo kiểu “tầm chương, trích cú” chỉ vì bằng cấp, sang chú trọng phát triển năng lực cá nhân nhằm mục đích phục vụ cho xã hội, đó chính là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Thước đo giá trị của con người không chỉ qua bằng cấp mà qua năng lực, qua năng suất lao động, qua sự sáng tạo của học sinh, kỹ năng của người lao động, và quan trọng nhất là kết quả đóng góp cho xã hội. Vấn đề bằng cấp sẽ không phải là yếu tố duy nhất, mà nó chỉ là phương tiện đồng hành, phản ánh năng lực của người học.

Đương nhiên, về phía giáo viên và cán bộ quản lý sẽ phải vất vả vì phải thay đổi thói quen đã hình thành từ nhiều năm nay. Chẳng hạn, trước kia, họ chỉ soạn bài 1 lần và giảng bài trong nhiều năm, thì bây giờ, thầy cô không thể làm như trước, phải tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi cách tiếp cận mới, thay đổi cách đánh giá mới. Bản thân người thầy trước kia cứ giảng thật nhiều kiến thức cho học sinh, ít quan tâm đến đánh giá sự trưởng thành, tiến bộ của học sinh, thì bây giờ, người thầy phải có trách nhiệm đánh giá được sự tiến bộ của học sinh sau một buổi học, sau mỗi kỳ học, sau mỗi năm học, mỗi cấp học. Rõ ràng, các thầy cô giáo sẽ phải vất vả hơn. Còn với người quản lý, trước kia quản lý theo kiểu hành chính, nhưng bây giờ quản lý chú trọng đến chất lượng. Quản lý đáp ứng yêu cầu của đổi mới sẽ phải vất vả hơn rất nhiều.

PV: Theo đồng chí, để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT được thành công thì việc chấn chỉnh kỷ cương trong ngành Giáo dục  là rất quan trọng?

Đ/c Nguyễn Đắc Hưng: Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nhằm xử lý tất cả những hạn chế, tiêu cực, trong đó có đổi mới mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục con em để tạo ra thay đổi về phẩm chất, năng lực của học sinh, sinh viên.

Trong xã hội phát triển, nếu quản lý giáo dục mà dập khuôn thì sẽ khiến trẻ bị thụ động, không phát huy sáng tạo, không còn hồn nhiên sống đúng với lứa tuổi. Theo tôi, kỷ cương ở đây là giáo dục các em phải biết chấp hành những quy định trong cộng đồng, lớn hơn nữa là phải chấp hành những quy định của pháp luật. Bởi vì, nếu như mọi người chấp hành những quy định của pháp luật, của cộng đồng một cách tự giác, thì bản thân mỗi con người đã được tự do.
 
Do đó, việc giữ gìn kỷ cương ở đây, theo tôi nghĩ, trước hết, cần phải giáo dục cho trẻ  biết “yêu”. Đứa trẻ phải biết yêu thương bản thân mình, có trách nhiệm với mình, yêu bố mẹ, rồi ông bà, họ hàng thân thích, hàng xóm láng giềng, bạn bè, yêu quê hương, yêu đất nước... Và có yêu thì mới có nỗ lực phấn đấu để đạt được những gì mình mong muốn. Vì vậy, nhà trường phải giáo dục trẻ từ lúc nhỏ phải biết yêu thương. Từ tình yêu sẽ là sự khởi đầu phát triển những giá trị nhân văn khác.

PV: Đồng chí kỳ vọng gì vào sự đổi mới lần này?

Đ/c Nguyễn Đắc Hưng: Tôi rất kỳ vọng về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT lần này. Bởi vì, Nghị quyết này ra đời là sự kết tinh trí tuệ của hàng ngàn chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo, các nhà lãnh đạo. Đây là một sản phẩm trí tuệ của nhiều người. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã phản ánh rất nhiều tâm tư, nguyện vọng và mong muốn các tầng lớp nhân dân.

Giáo dục nước ta đang được sự hậu thuẫn và ủng hộ rất lớn của các tầng lớp nhân dân. Truyền thống hiếu học của dân tộc là bệ đỡ, động lực thúc đẩy cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đến thành công. Sự nghiệp giáo dục đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức chăm lo, đầu tư, được ưu tiên trước hết và trên hết.

Mặc dù vậy, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là sự vận hành cả một hệ thống rất lớn, không thể nóng vội,  không thể ngày một ngày hai, mà phải đi từng bước chắc chắn. Đây là một chủ trương quan trọng,  rất đúng đắn và phải quyết tâm làm. Trước hết, đòi hỏi người đứng đầu phải sáng suốt, phải quyết tâm, phải thực sự cầu thị, thực sự lắng nghe và dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tôi có một lòng tin sâu sắc, nền giáo dục sẽ có sự chuyển biến tích cực. Nguồn nhân lực của nước ta sẽ ngày càng có chất lượng cao. Đất nước ta sẽ thịnh vượng sánh vai cùng các nước trên con đường hội nhập.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực