Đổi mới giáo dục phổ thông vì quyền lợi học sinh

Thứ ba, 11/08/2015 22:02

(ĐCSVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà khoa học... Dù dự thảo đã đưa ra nhiều quan điểm mới, nhưng mọi việc dường như vẫn phụ thuộc vào người thầy, chương trình và sách giáo khoa.

 

          Từ năm 2018, ngoài môn học chính, học sinh phổ thông
          còn được tự chọn môn học.  (Ảnh: Tấn Thạnh)


Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là chương trình giáo dục phổ thông mới) vẫn duy trì giáo dục phổ thông 12 năm (cấp tiểu học 5 năm, cấp trung học cơ sở 4 năm và cấp trung học phổ thông 3 năm ), nhưng có nhiều điểm đổi mới hứa hẹn sự thành công.

Mục đích của chương trình giáo dục phổ thông mới là nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.

Với quan điểm đổi mới đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép các môn học ở cả 3 cấp được chia thành môn bắt buộc và tự chọn. Tỷ lệ môn tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên. Điểm mới nữa là chương trình được thiết kế chuyển từ coi trọng truyền thụ kiến thức sang trang bị năng lực phẩm chất dựa trên trang bị kiến thức cho người học.

Ngoài những điểm đổi mới vì quyền lợi của học sinh, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cho phép các trường phổ thông được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Việc trao quyền tự chủ cho các trường nhằm phát huy năng lực và trách nhiệm của mỗi chủ thể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục...

Điều mà nhiều người quan ngại về chương trình giáo dục phổ thông mới là việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt 100% chuẩn để đáp ứng việc giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới từ năm 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, với rất nhiều môn học mới, cần rất nhiều bộ sách giáo khoa (kể cả sách giáo khoa điện tử), sẽ đặt ngành Giáo dục và mỗi trường phổ thông phải “đua” tốc độ mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới đúng lộ trình.

Việc viết sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo cơ chế “mở” - một chương trình nhiều bộ sách, là việc cần làm khi đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, để có nhiều bộ sách giáo khoa đạt chuẩn, phù hợp với việc đổi mới và đúng lộ trình, chắc không phải nơi nào cũng làm được, nhất là ở những cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn...

Để đáp ứng yêu cầu của đổi mới, ước tính có hàng trăm ngàn giáo viên cần phải bồi dưỡng thêm kiến thức. Đây là việc khó, với thời gian ngắn, không phải giáo viên nào cũng vừa đi dạy chương trình cũ, vừa đi tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới được. Do vậy, ngay từ bây giờ, ngành Giáo dục cần xây dựng lộ trình hợp lý trong việc tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức cho giáo viên.

Đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng thực ra lại liên quan đến sự đổi mới của tất cả các trường sư phạm từ trung cấp, cao đẳng đến đại học. Ngay từ bây giờ, các trường sư phạm phải vừa xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đang dạy ở bậc phổ thông, vừa phải thiết kế, xây dựng chương trình mới để đào tạo những giáo viên tương lai.

Đổi mới giáo dục phổ thông là “gốc rễ ” của sự nghiệp giáo dục đào tạo. Sự đổi mới sẽ thành công khi các quan điểm, chính sách mới phải được xây dựng, thực hiện trên cơ sở khoa học, thực tiễn, với tầm nhìn xa...

 Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực