Kinh nghiệm phát triển giáo dục Đài Loan

Thứ bảy, 15/09/2012 10:39

(ĐCSVN) - Giáo dục Đài Loan được đánh giá là một nền giáo dục chất lượng cao ở Châu Á. Bài học kinh nghiệm của Đài Loan là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục và gắn kết phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Thứ nhất, đổi mới căn bản nền giáo dục. Đài Loan là một vùng lãnh thổ nghèo tài nguyên thiên nhiên và coi giáo dục là điểm tựa vững chắc nhất để đuổi kịp các quốc gia khác. Năm 1946, sự ra đời của Hiến pháp Đài Loan là cơ sở chính thức cho quan điểm của chính phủ về xây dựng nền giáo dục quốc dân. Chính sách giáo dục được thể hiện ở mức cân đối tối thiểu của tổng ngân sách công mà chính quyền các cấp phải đầu tư cho giáo dục, khoa học, và văn hóa: 15% ở cấp trung ương, 25% ở cấp tỉnh, và 35% ở các cấp địa phương. Chính điều này đã thúc đẩy lượng học sinh sơ cấp tăng lên ngày càng nhanh chóng.

Chính phủ Đài Loan đã đổi mới hệ thống giáo dục để có thể cung cấp cho nền kinh tế những kỹ sư và nhà khoa học được đào tạo bài bản. Đài Loan tạo nhu cầu cho các dịch vụ tin học bằng cách tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng các Viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới để phát triển các công nghệ tiên phong. Công viên Khoa học Công nghệ Hsin-Chu được thành lập để thu hút các nhà khoa học và doanh nhân Đài Loan từ Thung lũng Silicon và các nơi khác về nước làm việc. Công ty sản xuất chip Bán dẫn Đài Loan TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) - một công ty đúc bán dẫn hàng đầu thế giới, là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Công nghệ của Chính phủ Đài Loan, được thành lập với sự hợp tác của Philips năm 1987. Trừ một số rất ít ngoại lệ đối với doanh nghiệp thâm dụng vốn cao (như trường hợp của TSMC), Chính phủ Đài Loan không đứng ra thành lập doanh nghiệp mà chỉ tạo điều kiện sao cho các doanh nghiệp tư nhân có thể thành công. Các doanh nghiệp của Đài Loan luôn dẫn đầu trong các lĩnh vực máy tính, điện tử, và nhiều lĩnh vực khác.

Mục đích của chính sách giáo dục ở Đài Loan cho đến thập niên 1980 chủ yếu tập trung vào việc hoạch định các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia. Các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực (Manpower Development Plans - MDP) được xây dựng trong Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Bước vào thập niên 1980, cùng với sự biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế, Đài Loan nhận thấy cần phải tiến hành cải cách giáo dục, vì thế đã đề xuất thành lập Nhóm Nghiên cứu về giáo dục (Research Group for Education). Những cải cách trong giáo dục được thực hiện trong với mục tiêu cao nhất là nỗ lực "đưa giới trẻ Đài Loan trở nên năng động và có thể thích nghi với một thế giới đang biến đổi nhanh, sáng tạo trong tư duy và nhân văn trong cách nhìn".

Giáo dục Đài Loan, theo đánh giá của một số tổ chức thế giới, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với truyền thống đề cao học hành được gieo mầm và phát triển, hơn 80% học sinh Đài Loan tiếp tục theo học bậc phổ thông trung học. Khoảng hơn 40% học sinh trung học tiếp tục các bậc đại học, cao đẳng. Gần 60% học sinh còn lại nhận bằng đào tạo hướng nghiệp. Hiện Đài Loan có 121 trường đại học và cao đẳng, bao gồm các trường công và hệ thống trường tư.

Nǎm 2000, Đài Loan có tổng số 143 trường dành cho các học sinh "thiên tài" và 408 trường khác dành cho những học sinh tài nǎng. Đối tượng "thiên tài" được chia thành những em có khả nǎng siêu việt trong môn toán hay khoa học. Các học sinh tài nǎng thì được chia ra những bộ môn cụ thể như âm nhạc, hội hoạ, nhảy hay thể thao.

Năm 2021, Đài Loan chỉ còn 195.000 sinh viên với gần 200.000 trẻ sơ sinh mỗi năm. Theo đánh giá của cơ quan quản lý giáo dục Đài Loan, trong giai đoạn 2009-2021, hơn 1/3 (khoảng 60 trường) trong 164 trường đại học, cao đẳng của hòn đảo này sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa nguồn nhân lực giảng dạy chất lượng và cơ sở vật chất giáo dục.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cho ngân sách giáo dục và sự điều phối nguồn kinh phí ngân sách.

Đài Loan rất chú trọng đầu tư ngân sách cho phát triển giáo dục, xem đó như là một phương cách hữu hiệu để khai thác tốt "kho báu tri thức" đồng thời nhằm xây dựng được một hệ thống giáo dục tiên tiến và chất lượng nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng một "Đài Loan sáng tạo, nhìn ra thế giới” (Creative Taiwan, Eye on the World). Đài Loan có một tầm nhìn chiến lược toàn diện cho sự phát triển nguồn lực con người và đầu tư rất mạnh cho giáo dục ở tất cả các cấp. Mức độ tiếp cận giáo dục đại học của Đài Loan được mở rộng một cách nhanh chóng, trong đó đáng lưu ý là giáo dục kỹ thuật và công nghệ. Ngay cả những chiến lược công nghiệp có tính định hướng của Chính phủ cũng được bắt đầu bằng việc đầu tư vào vốn con người. Trong sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan những năm 1990, Chính phủ Đài Loan đã đầu tư phát triển mạng lưới lưu học sinh ngành kỹ thuật ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ, và những nhà khoa học trẻ hứa hẹn nhất nhận được những lời đề nghị hấp dẫn nhất để về nước giảng dạy tại các trường đại học hoặc mở công ty tư nhân. Nhiều trường đại học của Đài Loan nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu của Châu Á theo xếp hạng của trường Đại học Giao thông Thượng Hải.

Ngân sách giáo dục chiếm tới 6% GNP (vượt xa vài chục lần so với ngân sách đầu tư cho giáo dục của Việt Nam). Đài Loan kêu gọi các cấp quản lý trích 15%-20% ngân sách hàng năm để giành cho giáo dục trong tương lai. Đây là nguồn kinh phí ngân sách rất lớn mà nhà nước ưu tiên cho giáo dục và chứng tỏ Đài Loan rất coi trọng nguồn “tài nguyên con người”. Điểm đáng chú ý là nguồn kinh phí đầu tư này được chính phủ Đài Loan điều phối hợp lý, đó là ưu tiên cho các bậc giáo dục cơ bản hơn so với bậc đại học, cao đẳng, bởi lẽ các cơ sở đại học, cao đẳng có khả năng tự chủ cao hơn so với những cơ sở giáo dục ở các bậc thấp. Đây thật sự là một kinh nghiệm hợp lý trong việc điều phối kinh phí cho giáo dục đáng để nghiên cứu. Trên thực tế, trong những năm qua Việt Nam cũng dành cho giáo dục một tỷ lệ ngân sách khá cao và không ngừng được tăng lên, tuy nhiên quy mô ngân sách của Việt Nam còn nhỏ, nên tổng kinh phí cho giáo dục còn ít. Vấn đề đặt ra là với nguồn lực hạn chế thì cần phải có một quy chế điều phối nguồn kinh phí hợp lý, tránh tình trạng lãng phí ngân sách. Mặt khác, cần khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo dân lập nhưng có quy chế kiểm định chặt chẽ về chất lượng đào tạo nhằm giảm bớt chi phí ngân sách của Nhà nước đồng thời huy động được sự đóng góp của xã hội vào sự nghiệp giáo dục. Điều được thực hiện rất hiệu quả ở Đài Loan.

Thứ ba, phát triển hệ thống giáo dục đại học và sau đại học theo hướng chuyên nghiệp hóa và quốc tế hóa hướng đến đào tạo những chuyên gia tầm cỡ quốc tế.

Mục tiêu giáo dục của Đài Loan là "nhìn ra thế giới". Để làm được điều đó, Đài Loan không chỉ phát triển về số lượng mà còn quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học. Sức mạnh của một nền giáo dục đại học không chỉ thể hiện ở số lượng mà ở cả chất lượng đào tạo và uy tín đào tạo của các trường đại học. Vấn đề quan trọng là tính chuyên nghiệp và chất lượng của hệ thống các cơ sở đào tạo đại học. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung chuẩn hóa và nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo đại học trọng điểm, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế, tránh tình trạng đầu tư dàn trải và lập mới quá nhiều trường đại học trong khi vẫn chưa thực hiện tốt công tác thẩm định chất lượng. Chính sách phát triển giáo dục Việt Nam nặng tính hình thức chưa quan tâm thỏa đáng đến việc nâng cao chất lượng. Vì thế việc cần thiết là phải quản lý chặt chẽ hơn chất lượng của các cơ sở đào tạo đại học cả công lập và dân lập, đồng thời hướng đến mục tiêu xa hơn là chuẩn hóa hệ thống đào tạo đại học theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ tư, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là rất cần thiết, vì nó mang tính quyết định của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện thế giới đang chạy đua phát triển khoa học công nghệ cao, trong đó có tin học. Với mục tiêu phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ Đài Loan đưa ra Kế hoạch 10 năm (1986-1996) Phát triển Khoa học và Công nghệ. Tiếp theo, Kế hoạch Phát triển Kinh tế Quốc gia 6 năm (1991-1996) với danh sách 10 ngành công nghiệp hàng đầu cần được ưu tiên phát triển. Cuối những năm 1990, Đài Loan mở rộng Viện nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp nhằm tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển. Viện đã đóng góp lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao của các xí nghiệp vừa và nhỏ Đài Loan.

Đài Loan rất chú trọng đến khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao Tân Trúc là nơi biến các tri thức mới, các phát kiến khoa học mới thành công nghệ và thành sản phẩm, tạo điều kiện cho sự liên kết giữa sản xuất và khoa học, mục tiêu chủ yếu của Đài Loan là phát triển các ý tưởng khoa học thành công nghệ rồi đưa ra áp dụng đại trà cho các nơi khác. Khu công nghệ cao Tân Trúc đào tạo nguồn nhân lực cao cho Đài Loan và sản xuất các phần cứng công nghệ thông tin chất lượng cao. Đa phần trí thức Đài Loan tốt nghiệp ở Mỹ, sống ở Mỹ lâu đã trở về khu Tân Trúc làm việc, họ được đảm bảo cuộc sống như khi còn ở Mỹ. Hiện nay Tân Trúc cung cấp hơn 90% thị phần chip, vi mạch, linh kiện điện tử cho thế giới. Năm 2010, doanh thu của Tân Trúc đạt gần 41 tỷ đôla Mỹ. Tân Trúc là khu công nghệ cao phát triển nhanh, nổi tiếng thế giới và được mệnh danh là "Thung lũng Silicôn” của châu Á.

Việt Nam đang trong quá trình hướng đến xây dựng và phát triển một nền giáo dục tiên tiến và tầm cỡ quốc tế trong tương lai. Việc nghiên cứu chính sách giáo dục và sự phát triển của nền giáo dục của Đài Loan sẽ giúp cho việc tìm ra hướng đi nhanh và đúng đắn nhất cho nền giáo dục Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực