Kỳ thi THPT quốc gia phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Thứ năm, 25/12/2014 15:44

(ĐCSVN) - Ngày 25/12, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có buổi tư vấn trên Báo điện tử Dân trí xung quanh kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015.

Đề cập về lợi ích của kỳ thi THPT quốc gia, PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết: từ năm 2014 trở về trước, thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau: thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ hoặc tại 4 cụm thi liên tỉnh. Số lượng bài thi nhiều hơn: 7 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH một khối (3 bài); 10 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài); 13 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài), tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài) và tuyển sinh CĐ (3 bài). Nay, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi.

 

 PGS.TS Mai Văn Trinh. Ảnh: dantri.com.vn


Đối với các trường ĐH, những năm trước đây ngoài lệ phí tuyển sinh, các trường vẫn phải phụ thêm một phần kinh phí để tổ chức tuyển sinh. Trong kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH chủ trì cụm thi ngoài lệ phí tuyển sinh sẽ được nguồn ngân sách hỗ trợ để tổ chức kỳ thi.

Những thay đổi trong kì thi đều hướng tới tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của học sinh. Các thầy, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục và toàn ngành sẽ khắc phục những khó khăn để đem lại những điều đó cho học sinh.

Một bạn học sinh lớp 12 hỏi, nếu thi ở cụm thi do một trường ĐH tổ chức rồi nộp hồ sơ vào trường khác có được không? Ví dụ như em học sinh này thi ở cụm thi do Trường ĐH Lục quân tổ chức thì có được nộp hồ sơ thi vào Học viện An ninh nhân dân được không?

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh lưu ý, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, căn cứ kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, nguyện vọng và điều kiện cá nhân khác để các em quyết định đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Trong quá trình xét tuyển, theo định kỳ, phần mềm quản lý thi sẽ cập nhật thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong xét tuyển hướng tới đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh.

Với các thí sinh dự thi tại cụm thi tỉnh lấy kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT, các em có thể tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh được công bố rộng rãi trên website của trường, báo Giáo dục và Thời đại điện tử và các kênh thông tin khác. Các em cần theo dõi những thông tin này để khai thác các cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ.

Giải đáp câu hỏi với 4 môn thi tốt nghiệp thi bao nhiêu điểm thì đỗ? Và điểm liệt là mấy? ông Mai Văn Trinh chia sẻ: Để xét tốt nghiệp THPT phổ thông các em phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 01 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Dự thảo quy chế quy định, để được công nhận tốt nghiệp thì điểm mỗi môn thi nói trên phải lớn hơn 2,0 điểm (theo thang điểm 20), đồng thời điểm xét tốt nghiệp (gồm điểm thi 4 môn, điểm ưu tiên (nếu có) và điểm trung bình học tập lớp 12) phải đạt mức quy định đối với từng diện xét tốt nghiệp cụ thể (đã được đưa ra trong dự thảo quy chế).

Chia sẻ về thang điểm 20, ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, kì thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, do đó yêu cầu phân hóa kết quả thi của thí sinh phải được đặt ra cao hơn so với kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ riêng rẽ như trước đây.

Trong kì thi THPT quốc gia, dự thảo quy chế dự kiến sử dụng thang điểm 20 đối với tất cả 8 môn thi trong kì thi. Thay đổi này hướng tới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, cụ thể là:

Trước đây, sử dụng thang điểm 10, chấm đến 0,25, như vậy thang điểm được chia thành 40 mức. Do đó, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian có thể không được tính điểm do chưa đi đến kết quả cuối cùng, do vậy thí sinh sẽ bị thiệt.

Với thang điểm 20, cũng chấm đến 0,25, lúc đó thang điểm được chia thành 80 mức. Do đó, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, như vậy học sinh có lợi hơn.

Ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc mở rộng thang điểm không làm thay đổi cách làm bài của thí sinh, do đó các thí sinh không có khó khăn gì thêm so với trước đây. Một số khó khăn nằm ở khâu ra đề, xây dựng hướng dẫn chấm và công tác chấm thi của giáo viên. Vì lợi ích của thí sinh, đội ngũ giáo viên sẽ cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng với làm tốt công tác tập huấn chấm thi thì những khó khăn nói trên sẽ được vượt qua.

Mặt khác, việc mở rộng thang điểm 20 cũng sẽ hỗ trợ các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh. Với thang điểm 10 trước đây, số học sinh có tổng điểm 3 môn chênh nhau 0,5 là khá lớn dẫn đến các trường gặp khó khăn nhất định trong tuyển sinh. Ví dụ, nếu lấy điểm trúng tuyển là 18,0 thì còn thiếu một số chỉ tiêu, nhưng nếu hạ xuống 17,5 thì lại vượt chỉ tiêu quá mức cho phép. Với thang điểm 20, tổng điểm 3 môn gồm nhiều mức hơn phù hợp tốt hơn với sự đa dạng của các trường ĐH, CĐ giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh.

“Với những lý do trên, kì thi THPT quốc gia dự kiến sử dụng thang điểm 20. Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và các chuyên gia trước khi chính thức đưa vào quy chế hướng tới tổ chức thành công kì thi THPT quốc gia 2015” - Ông Mai Văn Trinh chia sẻ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực