Nên tập trung vào một giải pháp then chốt là “người thầy”

Thứ hai, 23/12/2013 16:41

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

(ĐCSVN) - “Từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.... Lần này, Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục chú ý đến mục tiêu phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách cá nhân, kết hợp với mục tiêu đào tạo nhân lực. Tư duy mới về mục tiêu sẽ dẫn đến những đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp giáo dục”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo “Một số chủ trương và biện pháp góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

GS Nguyễn Minh Thuyết đồng tình với các quan điểm chỉ đạo đổi mới được nêu trong Nghị quyết. Trong số này, có quan điểm không mới vì đã từng được khẳng định nhiều lần như: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, nhưng tái khẳng định và đặt nó ở vị trí đầu tiên là cần thiết. Đó là lời nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư cho giáo dục; không phải chỉ đầu tư tài lực, vật lực mà còn phải thường xuyên đầu tư suy nghĩ về kế hoạch, biện pháp phát triển và tạo đồng thuận xã hội để phát triển giáo dục. Quan điểm “đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo” là rất đúng và rất mới so với nhận thức chung của xã hội và sự vận hành của giáo dục nước ta suốt hàng chục năm qua.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, cùng với mục tiêu giáo dục và các quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục, 9 nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nêu ra trong Nghị quyết thể hiện cái nhìn rất toàn diện. Tuy nhiên, từ những giải pháp tổng quát đến việc cụ thể hóa thành các biện pháp, kế hoạch và triển khai thực hiện trên thực tế cần một quãng thời gian dài.

Mặt khác, Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục lần này coi đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, trong đó có đổi mới cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt; đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, cần tập trung vào một giải pháp then chốt là “người thầy” và chỉ nên xác định một khâu đột phá là đổi mới phương thức giáo dục, mà yêu cầu quan trọng nhất là gắn học với hành, gắn nhà trường với xã hội.

Việc bồi dưỡng giáo viên sẽ phải làm kỹ hơn, thường xuyên hơn. Đặc biệt, phải làm sao để tư duy giáo dục mới, phương pháp dạy học mới thấm sâu vào từng giáo viên.

Về chế độ, chính sách, nếu giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu thì lương của giáo viên phải thay đổi. GS Nguyễn Minh Thuyết nhất trí khi giải pháp thứ 6 của Nghị quyết đề cập: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm các phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Để Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đi vào cuộc sống, GS Nguyễn Minh Thuyết kiến nghị, cần đảm bảo điều kiện thực thi Nghị quyết. Trước hết, là điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, phải đầu tư có trọng điểm, phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, khuyến khích các cơ sở đào tạo chú trọng nâng cao chất lượng. Không nên phân tầng, phân loại các trường theo hướng cố định. Huy động đóng góp của người học và các tổ chức, cá nhân khác cho giáo dục, tức là xã hội hóa ...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực