Nhiều giáo viên ủng hộ việc dùng thang điểm 10

Thứ năm, 22/01/2015 18:02

(ĐCSVN)- Ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận chủ trì tọa đàm trực tuyến “Góp ý dự thảo Quy chế THPT quốc gia năm 2015”. Buổi tọa đàm do Bộ GD&ĐT phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức.

Tham dự buổi tọa đàm trực tuyến có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các vụ, cục chức năng của Bộ; đại diện các sở GD&ĐT; trường ĐH, CĐ, THPT tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: Đổi mới thi liên quan đến nhiều học sinh học lớp 12, trực tiếp ảnh hưởng đến học sinh ở lớp dưới. Do vậy đây là công việc nghiêm túc, cẩn trọng cần được xử lý. Đối với cá nhân Bộ trưởng, mỗi lần đi đến cơ sở, trực tiếp nghe ý kiến từ các thầy cô, học sinh đã giúp có thêm góc nhìn sinh động, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định của mình. Bộ GD&ĐT mong nhận được nhiều ý kiến của các thầy, các cô, các độc giả để hoàn thiện, quyết định ra Quy chế trong thời gian sắp tới.

 

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ảnh: thanhnien.com.vn


Tham gia góp ý kiến, ông Trần Hoàng Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Long An cho biết, ngành Giáo dục Long An cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 và đóng góp 3 ý: một là, Bộ GD&ĐT công bố sớm các cụm thi và các thí sinh sẽ dự thi tại địa điểm nào để địa phương chủ động trong công tác tuyên truyền; hai là, Bộ nên ban hành chính sách hướng dẫn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; ba là nên có chế tài xử phạt đối với những sai phạm của các bộ phận.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, với cụm thi liên tỉnh gồm thí sinh 2 tỉnh sẽ khá đơn giản. Nhưng, cụm thi như TP.HCM, chúng tôi được biết có đến 8 cụm. Trưởng Ban chỉ đạo cụm thi TP.HCM có thể là Phó Chủ tịch TP; Phó trưởng Ban chỉ đạo thi phải có ít nhất có 8 đại diện của 8 trường ĐH và 7 Sở GD&ĐT… Như vậy, liệu Ban chỉ đạo cấp tỉnh như ở TP.HCM và Hà Nội có phình quá to hay không? Còn chưa kể vấn đề hội đồng thi có cả cả đại diện trường THPT, vấn đề điều hành, tổ chức trong đó như thế nào để không chồng chéo? Đề nghị Ban chỉ đạo thi Trung ương xem xét vấn đề này.

“Về thang điểm 10, thang điểm 20 hay 100 đều như nhau, vấn đề ở đây là thói quen. Nhưng theo tôi, vấn đề lớn nhất là việc xã hội cảm nhận về điểm ưu tiên khi thay đổi thang điểm (điểm ưu tiên tối đa thành 7 điểm), nhất là với các học sinh ở vùng không được ưu tiên. Do đó, tôi kiến nghị, nếu dùng thang điểm 20 nhưng nên xem xét lại điểm ưu tiên, còn nếu vẫn giữ thang điểm 10 thì vấn đề này không cần nhắc đến nữa” – ông Nguyễn Đức Nghĩa góp ý.

Trái ngược ý kiến của ông Nguyễn Đức Nghĩa, ông Trần Đức Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM cho rằng nên giữ thang điểm 10 là vì nếu chúng ta muốn tính chi tiết hơn thì chúng ta có thể quy định mỗi câu 0,125... Chúng ta chia nhỏ ra thì vẫn chia nhỏ được. Khi chúng ta thành điểm 10 như vậy thì khi cộng thêm với điểm trung bình lớp 12 đó thì nó cũng hợp lý hơn vì hiện nay ở lớp 12 của các em là thang điểm 10.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành sớm Quy chế chính thức cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 vì hiện giờ cả phụ huynh và học sinh đều sốt ruột.

Một vấn đề thắc mắc nữa được ông Nguyễn Đức Nghĩa đặt ra, là theo Dự thảo các em thi xong thì sẽ được cấp 4 giấy ghi điểm của mình và giấy thứ nhất các em chỉ nộp trong đợt 1 thôi. Nếu đợt 1 các em nộp được mà đã trúng tuyển rồi thì 3 giấy kia không có giá trị nữa, tức là không thể nộp các đợt sau nữa. Cái này rất hợp lý. Nhưng nếu được thì Bộ nên công bố trường nào sẽ trong danh sách đợt 1, trường nào đợt 2 để các em biết. Vì khi đó học sinh phải cân nhắc. Có thể xảy ra tình huống những em khá giỏi, trường mà các em thích thực sự lại nằm ở đợt 2. Nếu các em lo sợ mà nộp trước đợt 1 thì đợt 2 các em không được nữa.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đồng tình, thời gian thi ban đầu dự kiến là giữa tháng 6 nhưng hiện nay đã được điều chỉnh thành đầu tháng 7 là rất hợp lý vì các em có thời gian chuẩn bị. Bộ GD&ĐT nên có chỉ đạo bằng văn bản tới các Sở yêu cầu các hiệu trưởng quản lý học sinh và lên kế hoạch cho học sinh ôn tập. Việc này sẽ tránh tốn kém và tránh chuyện học sinh sẽ tập trung tại các "lò luyện".

“Bỏ điểm khuyến khích với Tin học và Ngoại ngữ nên bắt đầu từ năm sau để học sinh có thời gian chuẩn bị về tâm lý còn năm nay, nội dung khuyến khích này đối với học sinh GDTX nên giữ nguyên như năm trước. Thang điểm cũng nên giữ nguyên thang điểm 10”- ông Nguyễn Thanh Giang góp ý.

Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị, nên duy trì thang điểm 10 bởi vì với học sinh vì đối với học sinh THPT vẫn đang áp dụng thang điểm 10; nên giãn thời nộp hồ sơ đăng ký dự thi của các thí sinh. Hạn chót nên là cuối tháng 4 thay vì là đầu tháng 4 như trong Dự thảo.

Về cụm thi, bà Trương Thị Kim Huệ đề xuất nên duy trì hai cụm thi song song (cụm thi liên tỉnh và cụm thi tại tỉnh). Đối với hai cụm thi này thì đều do các trường đại học chủ trì.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, qua lấy ý kiến trực tiếp ở các trường học, đại đa số giáo viên, học sinh đồng tình với các nội dung Dự thảo và đánh giá cao 2 điểm nổi bật: Giảm bớt áp lực thi cử và tránh tốn kém; lần đầu tiên, quy chế hướng tới quyền lợi của người học và vị thế của kỳ thi tốt nghiệp THPT được chú trọng: Sử dụng kết quả kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Một số ý kiến quan tâm đến cấu trúc đề thi giống và khác các kỳ thi trước như thế nào; Kênh thông tin trên Website của các trường để phụ huynh và học sinh tham khảo, theo dõi, giám sát; Thời điểm nộp hồ sơ, và tổ chức kỳ thi rất tốt, phù hợp, học sinh có thời gian chuẩn bị.

Bên cạnh đó, nên chấm điểm nên dùng thang điểm 10 cho thống nhất và ổn định./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực