Những việc giáo dục cần thiết phải đổi mới thì kiên quyết đổi mới

Thứ hai, 15/06/2015 16:28

(ĐCSVN) - Ngay sau khi kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tổng kết nhóm các vấn đề liên quan đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận phiên chất vấn. Ảnh: VA


Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa, chủ trương của Chính phủ về tổ chức thi quốc gia, cho phép đổi mới cách đánh giá học sinh là đã có. Như vậy, các đại biểu đặt câu hỏi cũng là đặt vấn đề để kiểm tra lại tình hình tổ chức thực hiện và thấy còn nhiều lo lắng trong việc soạn sách giáo khoa, soạn chương trình giáo dục, ai là nhạc trưởng, khi triển khai chương trình này thì cơ sở vật chất thế nào? Đội ngũ giáo viên thế nào? Phù hợp với quốc tế thế nào, chất lượng giáo dục sau chương trình này có phù hợp với tiến trình đổi mới không?

Đổi mới căn bản, nhưng trên nền tảng chúng ta sử dụng có kế thừa quá trình giáo dục từ trước đến nay, những điểm tốt, những điểm ưu việt, những điểm kế thừa được thì tiếp tục, những việc cần thiết phải đổi mới thì kiên quyết đổi mới và đội ngũ giáo viên đổi mới có kịp không, đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên cho các vùng miền núi, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhất là những vùng còn khó khăn có kịp thời không, có đảm bảo không?

Chúng ta tổ chức thi quốc gia như vậy, tổ chức lại các cụm thi có tạo điều kiện thuận lợi được cho học sinh, phụ huynh không, có đảm bảo tính công bằng, kỷ luật thi nghiêm minh không hướng dẫn đến mọi người đã tốt chưa? Cách đánh giá học sinh như vậy có làm nặng cho giáo viên không, trong điều kiện lớp học còn có những nơi có tới 50, 60 học sinh một lớp? Giai đoạn chuyển tiếp này có gì khó khăn không? Rồi đánh giá, khen thưởng, nhận xét có vấn đề gì không?

Các đại biểu cũng quan tâm rộng hơn các vấn đề liên quan tới giáo dục, đào tạo. Từ đổi mới quản trị nhà trường, chuyển từ công lập sang dân lập, từ tổ chức liên thông quốc tế để đảm bảo hội nhập các chương trình giáo dục thế nào, cho tới các vấn đề bức xúc xã hội như bạo lực học đường. Các đại biểu cũng quan tâm tới công tác chỉ đạo, quản trị nhà nước, quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục ở các địa phương và các nhà trường tới công tác quản lý ngành giáo dục này, để đem lại trình độ tốt trong tiến trình đổi mới này, tất cả các vấn đề Quốc hội đặt ra rất sâu sắc.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra những cam kết để cho đồng bào, cử tri cả nước nghe, yên tâm về đổi mới này, không tạo ra cú sốc, v.v... Chúng ta ghi nhận tinh thần trách nhiệm ấy của Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội mong Bộ trưởng đã nói được như thế, nghe trôi chảy hết và ngay chỗ Phú Yên nói rồi nhưng không giải quyết ngay được thì phải chờ năm sau. Rất nhiều vấn đề đã có chương trình, có kế hoạch sẽ tổ chức triển khai, cho nên tâm trạng lo lắng của đồng bào cử tri cả nước cũng như của Quốc hội vẫn còn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc đổi mới giáo dục phải đúng là căn bản, đúng là toàn diện, đúng là phải đạt chuẩn, phải hội nhập quốc tế, phải triển khai một cách dân chủ, công bằng nhưng đổi mới phải vững chắc, bước đi phải thận trọng, rất phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, tình hình thực tiễn của các địa phương, của các nhà trường, của các vùng miền, của các cháu học sinh, các gia đình phụ huynh, để làm sao đảm bảo công cuộc đổi mới này trôi chảy nhưng đạt và không gây ra tâm trạng bức bối, không gây ra khó khăn, không gây ra bức xúc trong xã hội đối với một vấn đề to lớn như thế này, ảnh hưởng đến từng gia đình, ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổng hợp đầu tiên mà đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Lắng nghe ý kiến của đồng bào cử tri cả nước phản hồi không chỉ phiên chất vấn này, mà trong quá trình triển khai các chủ trương đổi mới để cho tốt và Quốc hội chờ đợi kết quả làm thế nào thì mới đánh giá một cách đầy đủ được.

Khi có kết quả về chương trình giáo dục, có kết quả về chương trình sách giáo khoa của bộ sách giáo khoa mới và triển khai nó, khi có kết quả lần đầu khi thực thi quốc gia, khi có kết quả tổng kết chương trình đánh giá học sinh và các công việc khác liên quan đến chương trình tổng thể triển khai nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng sẽ có báo cáo với Quốc hội lần nữa có thể vào kỳ họp cuối năm nay (gọi là kỳ họp cuối nhiệm kỳ) để người dân thấy quốc sách hàng đầu này mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra kỳ vọng sẽ được triển khai thế nào?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực