Thành công bước đầu từ sự đột phá trong tuyển sinh

Thứ năm, 04/06/2015 11:00

(ĐCSVN) - Chỉ làm một bài thi trắc nghiệm duy nhất, thi trong một buổi với thời gian làm bài 195 phút, kiến thức tổng hợp, làm trên máy tính và biết kết quả ngay khi hoàn tất bài thi - đó là phương thức tuyển sinh mới của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy vào Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) năm 2015 vừa diễn ra trong 4 ngày (30/5 - 2/6/2015) theo cách thức hoàn toàn mới so với các kỳ tuyển sinh trước đây. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 45.350. Tổng số thí sinh dự thi có mặt toàn đợt là 43.372, đạt tỷ lệ 95,64%.

 

Lãnh đạo ĐHQGHN trực tiếp đi kiểm tra một ca thi đánh giá năng lực. Ảnh: VA


Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: Phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.

Theo đánh giá sơ bộ của ĐHQGHN, tỷ lệ thí sinh dự thi đánh giá năng lực ổn định ở mức gần 96%. Qua đó thấy rằng, kỳ thi đánh giá năng lực theo phương thức mới đã được xã hội đồng tình ủng hộ và hưởng ứng cao. Đây cũng là tỷ lệ thí sinh đến dự thi tuyển sinh vào ĐHQGHN cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Các thí sinh đã nhập cuộc chủ động, nghiêm túc và thích ứng tốt với hình thức thi trên máy tính. Hình thức thi mới này đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử. Thí sinh không trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, cũng không có em nào cố ý gây ra những trở ngại dù là nhỏ nhất trong quá trình thi. Không còn cảnh thí sinh mang phao vào phòng thi, vứt phao bừa bãi sau khi thi.

Vì đây là lần đầu tiên tại một kỳ thi, thí sinh thực hiện bài làm hoàn toàn trên máy tính, nên điều mọi người lo lắng gặp sự cố về lỗi máy tính trong lúc làm bài cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, chỉ có một số ít máy tính phát sinh lỗi trong quá trình vận hành trên tổng số 7.497 máy tính được huy động sử dụng (cả chính thức và dự phòng). Qua đó, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác tổ chức thi của ĐHQGHN.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều thí sinh tỏ ra thích thú với hình thức thi cử mới này. Tâm lý chung của phần đông thí sinh dự thi khá thoải mái, vì một phần, các em xem kỳ thi là một lần “tập dượt” thử sức mình, nếu thi đỗ coi như “yên tâm” một chỗ học, chẳng may trượt thì vẫn còn kỳ thi THPT quốc gia và một đợt thi nữa của ĐHQGHN vào tháng 8 tới.

Em Trần Thùy Dung đến từ phường Phú Diễn (Hà Nội) cho hay: Đây là kỳ thi theo hướng mới, cách ra đề thi kiểu mới. Mỗi thí sinh chỉ thi một bài thi, đề thi khác nhau, làm xong biết kết quả ngay nên em rất háo hức và muốn đăng ký thi để biết được khả năng của mình đến đâu.

Trong khi đó, thí sinh Dương Thùy Trang (THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) cho biết: Đề thi nằm trong phần đã học, kiến thức dàn trải từ lớp 10 đến 12. Môn Toán chủ yếu hỏi về hình học phẳng và tính thể tích. Em làm phần giải phương trình, tính nghiệm khá nhanh. Phần Ngữ văn không khó. Câu hỏi môn Lịch sử và Địa lý tập trung vào số liệu. Đề thi cập nhật các vấn đề nóng của xã hội như: Sự phát triển dân số, các nước EU... 

Về phía phụ huynh, nhiều người cũng tỏ ra khá thoải mái. Bác Nguyễn Thị Khánh (huyện Yên Thế, Bắc Giang) cho hay, từ 6 giờ sáng nay, hai mẹ con đã đến trường thi. Tối qua, tâm trạng của con bác Khánh khá hồi hộp, mang sách vở ra xem lại bài đến khuya. “Tuy cháu là học sinh giỏi 12 năm liền, nhưng đây là kỳ thi mới, lần đầu tiên được tổ chức, dù rất háo hức, nhưng vẫn có chút áp lực” - bác Khánh chia sẻ.

Rất mong muốn con đạt kết quả tốt nhất trong đợt thi này, nên sáng sớm, anh Trương Văn Khiêm (Thanh Oai, Hà Nội) đưa em Trương Chí Đức đến trường thi. Anh Khiêm tâm sự: Gia đình rất muốn cho cháu thi vào trường quân sự, nhưng cháu muốn thi vào học chuyên ngành kinh tế nên gia đình cũng tôn trọng nguyện vọng của cháu, nếu cháu đỗ vào ĐHQGHN.
 
Anh Khiêm cho biết: Kỳ thi này, đề thi tổng hợp bao gồm nhiều loại kiến thức, các cháu sẽ có chút bỡ ngỡ bởi cách học ở trường THPT hoàn toàn khác, nhưng gia đình vẫn tin tưởng vào khả năng của con.

Với một kỳ thi được tổ chức theo phương thức mới hoàn toàn, lại chưa từng được kiểm định ở Việt Nam thì không thể tránh khỏi những băn khoăn, thậm chí hoài nghi. Có ý kiến băn khoăn tính tương đương về đề thi, liệu mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn, có bảo đảm tính tương đương giữa mọi đề thi hay không?

Trước băn khoăn trên, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban tuyển sinh ĐHQGHN năm 2015 giải đáp phần nào: “Đề thi là một trong những vấn đề đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay. Đây chính là việc tạo ra bộ đề với nguồn đủ lớn, nhưng quan trọng là cân bằng độ khó giữa các câu hỏi. Mặt khác, ĐHQGHN có một lượng chuyên gia trong lĩnh vực này, bậc thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành đo lường đánh giá trong giáo dục, một trong nội dung quan trọng trong khâu làm đề. Do đó, cân bằng độ khó giữa các phần trong đề và giữa các đề khác nhau cơ bản được đảm bảo".

Một băn khoăn nữa khi cho rằng: Tại sao ĐHQGHN lại phân bố điểm đồng đều cho tất cả câu hỏi ở mức 1 điểm/câu, thiếu vắng sự phân loại điểm cho những câu khó - dễ khác nhau? PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Tuyển sinh ĐH bằng bài thi đánh giá năng lực là một phương thức thi mới, nên sau khi thảo luận, ĐHQGHN quyết định chọn phương án tính một mức điểm chung cho tất cả câu hỏi, tránh gây tâm lý bất ổn cho thí sinh trước cách tính điểm quá phức tạp. Tuy nhiên, ĐHQGHN cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh để đề thi ngày càng “tinh”, tiến dần đến chuẩn quốc tế.

Thêm nữa, mấy ngày qua, có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội nên được thay thế cho kỳ thi THPT quốc gia, bởi những tiện ích, đánh giá được năng lực tổng hợp và thí sinh biết kết quả ngay khi làm bài xong. Đặc biệt là không gây áp lực cho thí sinh và người nhà thí sinh cũng như tiết kiệm chi phí. Về việc này, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Vấn đề này nên để cho cơ quan chức năng, những người làm chính sách quyết định. Nhưng, phân tích từ góc độ kỹ thuật cho thấy, với bộ đề, hệ thống phần mềm và quy trình thi như ĐHQGHN đang thử nghiệm có thể áp dụng được cho một số lớn hơn. Ví dụ, hiện nay, mỗi máy chủ chỉ dùng cho mỗi địa điểm 500 - 600 thí sinh, trong khi công suất có thể chia sẻ cho hàng ngàn thí sinh. Các yếu tố về phần mềm, bộ đề cũng hoàn toàn có khả năng chia sẻ cho số lớn hơn, nhưng cần một điều kiện quan trọng là các phòng thi và máy tính chuẩn hóa".

Như vậy, qua kết quả rất khả quan từ phương thức tuyển sinh mới của ĐHQGHN, có thể thấy, kỳ thi đánh giá năng lực là bước đi căn bản đầu tiên và khá quan trọng trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực