Tiếp tục làm rõ giá trị cốt lõi của chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Thứ sáu, 20/02/2015 16:43

(ĐCSVN) - Nhân dịp Năm mới Ất Mùi 2015, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương về những kết quả đã đạt được sau một năm ngành Giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng
 trả lời phỏng vấn 
. Ảnh: VA

Phóng viên (PV): Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng chí có những đánh giá như thế nào về kết quả ngành Giáo dục đã làm trong năm vừa qua?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, cái được lớn nhất trong một năm qua, đó là toàn ngành Giáo dục đã có sự chuyển động, dần dần tạo được ra hướng đi mới theo tinh thần Nghị quyết. Đó là sự chuyển động tích cực đổi mới cách dạy, cách học trong mỗi nhà trường. Rõ ràng là trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết, rồi sau khi Nghị quyết được ban hành đã tác động không nhỏ về mặt nhận thức, chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang chú trọng đến phát triển năng lực; từ giáo dục khép kín sang nền giáo dục mở.

Cùng với đó, nhiều chủ trương, quyết sách đúng của ngành Giáo dục ra đời. Có thể kể đến quyết định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa; đổi mới việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp ,đồng thời làm căn cứ giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh; ban hành Thông tư 30 đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo nguyên tắc đánh giá sự tiến bộ toàn diện của học sinh; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; ban hành Điều lệ trường đại học…

Có thể nói rằng, chỉ trong một năm mà có từng đó sự thay đổi cũng là sự cố gắng, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), của toàn ngành Giáo dục.

PV: Có thể thấy một năm qua, ngành Giáo dục đã làm được nhiều việc mang tính đột phá, tuy vậy, không tránh khỏi những mặt còn hạn chế, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cho rằng, những việc Bộ GD&ĐT đang triển khai đúng hướng thì cần phải làm một cách căn bản, tích cực, phấn đấu đến cùng. Phải nhấn mạnh, đây là đổi mới giáo dục “căn bản và toàn diện”, cho nên không thể nửa vời và phải đem lại kết quả thực chất, thiết thực.

Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải đổi mới “dồn dập”, thay vì làm 10 việc thì có thể tập trung vào 5 việc trọng tâm, rồi sau đó làm tiếp, phân khúc ra để làm từng năm; phải có cách làm đúng đắn, tập hợp được trí tuệ của các chuyên gia giáo dục, làm một cách tâm huyết và sáng tạo. Nghị quyết đã đúng và tốt rồi, nhưng khi triển khai vào cuộc sống thì không dễ dàng, không đơn giản, đòi hỏi quyết tâm cao và phải tập trung được trí tuệ.

Chẳng hạn, ngay như đối với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, chúng ta cũng cần phải bàn kỹ để làm rõ thêm việc hướng đến một nền giáo dục mở. Theo tôi được biết, mặc dù Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông, nhưng Bộ vẫn sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Qua đó, có thể thấy Bộ đã “mở”, nhưng vẫn còn “mở hé”, chưa dám mạnh dạn. Hay như vấn đề tự chủ của các trường ĐH, CĐ hiện nay còn nhiều bất cập. Quyền tự chủ ấy phải trao cho Hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ quan quyền lực thực sự, chứ không phải “cái bóng” của ông Hiệu trưởng. Thành phần của Hội đồng này cần có người trong trường và ngoài trường, đủ năng lực, bảo đảm thực chất đáp ứng cho công việc.
 
Tôi cho rằng, để làm tốt vấn đề này, Bộ GD&ĐT phải thực sự bỏ nhiều công sức, đi đến từng cơ sở để chỉ đạo việc này một cách sâu sát, hiệu quả.

PV: Trên cơ sở thành công bước đầu, theo đồng chí, ngành Giáo dục nên chú trọng đến những nội dung gì trong năm tiếp theo?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ rằng, ngành Giáo dục nên cùng với các nhà khoa học tiếp tục làm rõ nhận thức về giá trị cốt lõi của chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, để nắm cho thật chắc vấn đề, để không bị “chệch choạc”, tránh những việc làm không đúng do nhận thức; đồng thời, phải hết sức quan tâm đến khoa học giáo dục, liên tục đi sâu nghiên cứu và đổi mới tư duy. Phải thấy rằng, mới có sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 29, chúng ta không thể kỳ vọng có sự chuyển biến ngay, chuyển biến nhiều trong đổi mới giáo dục, mà vẫn cần thêm thời gian để chuyển biến dần theo hướng đúng đắn, tích cực.

Ngoài vấn đề nhận thức, đổi mới tư duy, nên tập trung giải quyết một số việc quan trọng sau đây:

Thứ nhất, phải chú trọng việc kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo. Hiện nền giáo dục đang theo hướng mở, cơ chế mở, nên cần có kiểm định chất lượng để “chống” lại những kẽ hở phát sinh từ xu hướng mở đó. Phải có các đơn vị kiểm định chất lượng độc lập, cả của nhà nước, của hiệp hội và của tư nhân.

Thứ hai, để triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014, của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cần phải tập trung làm tốt một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt, có phần cứng bắt buộc và phần mềm tự chọn, có phần do Bộ quyết định và phần do địa phương quyết định. Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường và của địa phương nữa.

Đề phòng cách làm chương trình vẫn như cũ, theo thói quen, theo cách lâu nay đã làm, vẫn là kiểu chương trình tiếp cận nội dung, chưa phải chương trình phát triển năng lực, chỉ đổi mới về hình thức, còn thực chất vẫn như cũ. Có thể nói, để làm được một chương trình tốt không hề đơn giản, nhất là khi chúng ta vẫn bị cách làm cũ ám ảnh.

Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, chương trình mới, thay vì trình bày la liệt kiến thức, chỉ cần tập trung giới thiệu giá trị cốt lõi, rồi chỉ ra phương pháp tiếp cận, kể cả cách tìm tài liệu, tự cập nhật kiến thức; tổ chức hoạt động học cho học sinh; cách giải quyết vấn đề, trong đó có giải quyết các tình huống cụ thể, thực tiễn.

Thứ ba, cần phải làm rõ vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của các trường đại học ngoài công lập. Theo đó, đề xuất chính sách miễn giảm thuế cho các trường phi lợi nhuận, thu thuế với trường hoạt động vì lợi nhuận; phải quy định rõ ràng, rành mạch, để tránh lợi dụng kẽ hở pháp luật.

Thứ tư, quan tâm đến những cơ chế, chính sách, tạo sự bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập trong đào tạo từ trung cấp trở lên, kể cả bình đẳng về cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính. Tôi hình dung, trường công, trường tư giống như hai cái cánh của một con đại bàng. Nếu hai cánh lệch nhau, làm sao con đại bàng có thể bay lên cao được!

Thứ năm, triển khai một số giải pháp để thực hiện tự chủ của cơ sở đào tạo, quy định rõ tự chủ cái gì, như thế nào, làm sao để tự chủ được, theo tinh thần mạnh dạn, toàn diện và giao cho tập thể Hội đồng trường với tư cách là cơ quan quyền lực của cơ sở đào tạo.

PV: Trong ngày đầu năm mới này, nói về thành công của ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện thì hơi sớm, nhưng với tư cách cá nhân, đồng chí có tin tưởng vào sự thành công này không, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Tôi hoàn toàn tin tưởng công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo sẽ thành công vì hướng đi phù hợp với quy luật, không thể khác được.

Trong đó, có thể nói đến hai vấn đề cốt lõi nhất đi đúng quy luật, đó là: Chuyển từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học; chuyển từ nền giáo dục khép kín sang giáo dục mở, liên thông, thực học, thực nghiệp.

Chỉ có điều, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, nếu đi đúng đường và tích cực thì thành công đó sẽ đến sớm, còn đi vòng vèo thì thành công đó sẽ đến muộn. Hay nói cách khác, nếu đổi mới thành công thì khoảng sau 10 năm nữa, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy một nền giáo dục phát triển toàn diện, có chất lượng, đi đúng hướng; còn nếu kém, làm không tích cực, không đúng hướng thì đổi mới còn kéo dài, bỏ mất cơ hội và lãng phí thời gian.

PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí! Nhân dịp Năm mới,  xin kính chúc đồng chí và gia đình sức khỏe, thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực