Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng triết lý giáo dục Việt Nam phù hợp với thời đại

Thứ bảy, 03/09/2011 10:52

Đồng chí Phùng Hữu Phú (bên trái) tại cuộc tọa đàm

(ĐCSVN)- Tại cuộc tọa đàm “Triết lý giáo dục Việt Nam” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 31/8, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tới dự và phát biểu. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam xin giới thiệu ý kiến phát biểu của đồng chí tại buổi Tọa đàm.

Vấn đề đi tìm “Triết lý giáo dục Việt Nam” đã và đang được bàn thảo rất sôi nổi ở các cuộc hội thảo, diễn đàn, báo chí. Nhưng theo tôi, những cuộc hội thảo, tọa đàm trước đây mới chỉ gợi mở và có nhiều ý kiến khác nhau, do vậy, vẫn cần tiếp tục đào sâu thêm, làm rõ thêm và tạo sự đồng thuận, sự thống nhất trong nhận thức về vấn đề triết lý trong giáo dục.

Tôi đánh giá cao sáng kiến của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm này. Đây là cuộc tọa đàm rất cần thiết và thiết thực, nó đã chắt lọc được những ý tưởng, đề xuất, đã có bước tiến mới so với các cuộc hội thảo được các đơn vị khác tổ chức trước đây ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ý kiến phát biểu của các giáo sư, các chuyên gia, các nhà giáo dục sư phạm rất phong phú, phong phú cả về cách tiếp cận và cả về nội dung. Có cách tiếp cận theo chiều sâu lịch sử, có cách tiếp cận xu thế của thời đại và xu hướng của thế giới, có cách tiếp cận từ nhu cầu bức xúc từ thực tiễn của cuộc sống. Nhiều ý kiến tại cuộc tọa đàm đã gợi mở những vấn đề rất thiết thực cho việc suy nghĩ, cho việc xây dựng và triển khai một triết lý giáo dục của Việt Nam.

Vậy có cần không một triết lý giáo dục Việt Nam? Mặc dù còn có nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng nhìn tổng thể thì chúng ta rất cần một triết lý giáo dục. Vì bên cạnh chính sách, đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước về giáo dục là chính thống, là cơ sở để nhà nước cụ thể hóa thành chiến lược, thành chính sách, thì còn có một cái không phải là chính thống nhưng lại đầy sức sống, nó phản ánh bản sắc của dân tộc, đó chính là triết lý giáo dục. Triết lý chính là tinh túy trong tư duy của một đội ngũ về một lĩnh vực, về sự phát triển của đất nước. Nó dễ dàng đi vào trái tim, khối óc của cộng đồng dân tộc và trở thành ngọn đuốc cho ứng xử, thể hiện thái độ trách nhiệm của xã hội về giáo dục.

Ông cha chúng ta đã từng có triết lý giáo dục, trong thực tiễn cũng đã có triết lý giáo dục, Bác Hồ đã từng nói rất sâu sắc về triết lý giáo dục. Bây giờ, thế giới cũng rất quan tâm đến triết lý giáo dục. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa làm được chính là chưa biết tích hợp những di sản triết lý trong truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của chúng ta; chưa tiếp cận một cách đầy đủ, nghiêm túc, hệ thống những tinh hoa triết lý giáo dục của thế giới… để tích hợp lại, bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành triết lý giáo dục của chúng ta.

Thế nhưng điều rất quan trọng và cũng là điểm yếu của chúng ta là cách vận dụng, truyền bá triết lý giáo dục vào trong thầy, trò, trong cộng đồng xã hội lại ít được quan tâm.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần rà soát lại, gạn chắt những tinh hoa của dân tộc về triết lý giáo dục của các bậc tiền bối, của Bác Hồ để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, cân nhắc hoàn cảnh lịch sử hiện nay, tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay, những yêu cầu nhiệm vụ sắp tới, để hình thành triết lý giáo dục Việt Nam đúng, có sức sống và có tính khả thi.

Trong quá trình triển khai tới đây, bên cạnh việc xây dựng kết hoạch, quy hoạch các chương trình đề án cụ thể, chiến lược giáo dục Việt Nam 2011 – 2020 thì cần phải hình thành được một triết lý giáo dục và truyền bá sâu rộng triết lý giáo dục trong thầy, trò, trong cộng đồng xã hội để thực thi, coi đây như là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong chiến lược đổi mới giáo dục 10 năm tới.

Hiện toàn xã hội đang khao khát có một nền giáo dục tương xứng với tầm vóc dân tộc, tương xứng với tầm vóc của thời đại./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực