(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các Bộ liên quan chuẩn bị xây dựng định hướng vận động, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian tới cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, định hướng cần bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; các văn bản pháp quy có liên quan như: Luật đầu tư công và Luật quản lý nợ công.
Xây dựng kế hoạch vốn cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo
Để triển khai cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch vốn cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trong đó xác định nhu cầu vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi, làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất với các nhà tài trợ, đối tác phát triển về định hướng tài trợ.
Về định hướng quản lý sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi cho từng cấp học, bậc học, cụ thể, đối với giáo dục đại học cần đánh giá việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thành lập các trường đại học xuất sắc (như các trường: Đại học Việt Đức và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội); lựa chọn, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng vốn vay ưu đãi hỗ trợ cho vay đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường đại học có uy tín, chất lượng đào tạo tốt để có thể tiến tới tự chủ hoạt động và trở thành các trường đại học chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý để các trường đại học ngoài công lập đủ tiêu chuẩn tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua các quỹ phát triển địa phương hoặc các ngân hàng thương mại.
Đối với giáo dục phổ thông thì ưu tiên thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa và Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” đã được phê duyệt, tập trung vào 3 nội dung: triển khai chương trình mới, sách giáo khoa mới; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đổi mới thi, kiểm tra và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Trong đó, cấp trung học phổ thông ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin theo chuẩn mực quốc tế; tăng hiệu quả việc triển khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông. Cấp tiểu học và trung học cơ sở đầu tư theo các chương trình mục tiêu, cần hướng các đối tác phát triển tài trợ theo phương thức hỗ trợ ngân sách.
Đối với giáo dục mầm non ưu tiên sử dụng vốn vay ưu đãi tài trợ bổ sung ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ các chương trình mục tiêu cho kiên cố hóa trường lớp mầm non ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ở các huyện thuộc diện 30a).
Hạn chế thành lập các ban quản lý dự án mới
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hạn chế thành lập các ban quản lý dự án mới tại trung ương và địa phương, cần củng cố và nâng cao năng lực các ban quản lý dự án hiện có theo hướng chuyên nghiệp; thường xuyên phối hợp với các nhà tài trợ để tiếp thu, điều chỉnh kịp thời về công tác quản lý chương trình, dự án thông qua các khuyến nghị của tư vấn độc lập về hiệu quả tài trợ đối với các chương trình, dự án; định kỳ đánh giá tác động, hiệu quả sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi dành cho giáo dục - đào tạo.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát hiệu quả, đảm bảo cho việc giải ngân và giao dự toán ngân sách cho các chương trình, dự án hỗ trợ ngân sách nhà nước được thực hiện kịp thời với kế hoạch giải ngân của các nhà tài trợ và đúng mục tiêu thiết kế ban đầu của các chương trình, dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật các nội dung nêu trên vào định hướng vận động, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ; căn cứ khả năng bố trí vốn từ nguồn trong nước, hướng các nhà tài trợ chuyển từ hình thức hỗ trợ dự án truyền thống sang phương thức tài trợ và đồng tài trợ theo chương trình, hỗ trợ ngân sách hoặc tài trợ theo kết quả đầu ra; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á thảo luận về các phương thức tài trợ chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo./.