Quan hệ Việt – Áo có nền tảng vững chắc và đạt được nhiều thành tựu

Thứ ba, 20/02/2024 09:18
(ĐCSVN) – Trải qua hơn 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Áo đã có nền tảng vững chắc và đạt được nhiều thành tựu trên cả ba bình diện chính trị, kinh tế và văn hóa – giao lưu nhân dân.

Đó là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn về những thành tựu cũng như những triển vọng của mối quan hệ Việt – Áo.

Phóng viên: Đại sứ có thể chia sẻ một số những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Áo trong thời gian qua?

 Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Áo)

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Có thể thấy trải qua hơn 50 năm qua mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Áo đã có nền tảng vững chắc và đạt được nhiều thành tựu trên cả ba bình diện chính trị, kinh tế và văn hóa – giao lưu nhân dân.

Về chính trị: Áo là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiêt lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào tháng 12 năm 1972, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam còn đang trong giai đoạn khốc liệt cam go nhất và Hiệp định hòa bình Paris chưa được ký kết. Mối quan hệ hữu nghị được hai nước nuôi dưỡng và phát triển từ đó. Lãnh đạo các cấp hai nước thường xuyên thăm viếng lẫn nhau mà nổi bật nhất trong thời gian gần đây là chuyến thăm Áo của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (tháng 9 năm 2022), chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Schallenberg (tháng 4 năm 2023) và đặc biệt là chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vào tháng 7 năm 2023 vừa qua. Trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ qua hai nước đã chia sẻ một tài sản quý giá là sự tôn trọng lẫn nhau và niềm tin chính trị, dựa trên những giá trị mà hai bên cùng trân trọng và vun đắp.

Về kinh tế: Áo luôn đứng trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại năm giữa hai nước thường xuyên đạt trên dưới 3 tỷ USD mặc dù gần đây chịu những tác động tiêu cực về chính trị và kinh tế ở Châu Âu và toàn cầu. Đầu tư của Áo vào Việt Nam còn khiêm tốn. Áo hiện đứng thứ 41/108 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 43 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 148,59 triệu USD. Tuy nhiên nền kinh tế của hai nước có tính bổ trợ cho nhau rất tích cực khi mà Áo có công nghệ, trình độ quản lý cao và Việt Nam lại có một trị trường lớn, một nền kinh tế mở làm cửa ngõ vào Đông Nam Á và Châu Á, một lực lượng lao động trẻ, năng động và sáng tạo.

Về văn hóa – giáo dục và giao lưu nhân dân hai bên thường xuyên trao đổi về giáo dục đại học, nghiên cứu và đào tạo, đặc biệt là về khoa học công nghệ và nghệ thuật… Hội hữu nghị Áo – Việt thành lập từ những năm 70 và Hội hữu nghị Việt – Áo mới thành lập gần đây đã là những nhịp cầu kết nối nhân dân hai nước.

Cộng đồng người Việt tại Áo (khoảng trên dưới 7000 người) tuy không lớn so với nhiều cộng đồng người Việt ở một số nước châu Âu khác, song hoạt động khá tích cực, đoàn kết hướng về tổ quốc và góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiểu biết, tăng cường giao lưu, gắn bó chặt chẽ giữa hai nước.

Phóng viên: Ngay sau khi Việt Nam và Áo kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 2022), vào tháng 7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo. Vậy, theo Đại sứ, chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy hơn mối quan hệ Việt Nam và Áo trong bối cảnh mới?

Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ đón chính thức Chủ tịch nước thăm Áo (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Tháng 7 năm 2023 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Áo. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Võ Văn Thưởng đến một nước ngoài châu Á kể từ khi Chủ tịch lên nhậm chức đầu năm 2023. Chuyến thăm khẳng định ưu tiên và đánh giá cao của cả hai bên đối và mong muốn đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Van De Bellen, thăm Quốc hội và gặp Chủ tịch Thượng Viện Áo, thăm và làm việc với Thị trưởng thành phố Viên và Bang Brugenland. Chủ tịch Võ Văn Thưởng cũng thăm trụ sở của Liên Hiệp quốc tại Viên, gặp gỡ Quyền Tổng Giám đốc IAEA và chứng kiến lễ ký Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và UNCITRAL (Ủy ban về Luật Thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc). Chuyến thăm là dịp hai nước tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục mà đặc biệt là đặt trọng tâm vào giao lưu giữa các địa phương. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương thông qua các cơ chế của Liên Hiệp quốc mà thành phố Viên, Áo là một trong ba trung tâm ngoại giao đa phương lớn nhất của Liên Hiệp quốc.

Phóng viên: Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam và Áo đã tích cực vận dụng vào việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại -đầu tư và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đại sứ có thể chia sẻ một số kết quả cũng như tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới?

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Kim ngạch thương mại hai chiều được duy trì ở mức cao trên dưới 3 tỷ USD ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn cho giao thương giữa hai nước cũng như khủng hoảng năng lượng và xung đột tại Ukraine làm giảm sức mua của thị trường châu Âu, đây một phần nhờ tác động tích cực của Hiệp đinh Thương mại tự do Việt Nam EU.

Thương mại giữa Việt Nam và Áo hiện nay có thể chia thành một số nhóm hàng hóa chính: thứ nhất là hàng điện tử mà điện thoại di động chiếm một tỷ trọng lớn, tiếp sau là máy móc thiết bị hoặc sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nhóm quan trọng thứ ba là nông sản.

Hàng điện tử và điện thoại di động là hàng hóa góp phần làm cán cấn thương mại nghiêng về phía Việt Nam, tuy nhiên phần lớn hàng hóa này không tiêu thụ tại Áo, một đất nước chỉ có chưa đến 9 triệu dân, mà phân phối đến các thị trường khác ở Trung Âu và cả châu Phi. Điều này thể hiện thế mạnh thương mại của Áo và trên một khía cạnh nào đó Áo là một trong những nhà phân phối hàng điện tử và điện thoại di động của Việt Nam ra thế giới. Vì vậy Áo cũng không “chịu thiệt” trong sự mất cân bằng thương mại này.

Việt Nam chủ yếu nhập thiết bị công nghệ cao, máy móc hiện đại trong ngành công nghiệp, năng lượng, hóa dược. Đây là những yếu tố đầu vào quan trọng cho việc chế biến và xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Áo, tuy nhiên số lượng hiện còn khá khiêm tốn khoảng hai trăm triệu USD mỗi năm. Đây chính là một mặt hàng tiềm năng vì là thế mạnh của Việt Nam đồng thời Áo cũng có lợi thế về công nghệ và khả năng ứng dụng, phát triển công nghệ, có thể là một yếu tố rất quan trọng cho việc nâng cao chất lượng và thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ hơn nữa vào Trung và Tây Âu.

Sau thời gian đầu đi vào hiệu lực, EVFTA đã tạo những tác động tích cực đến thương mại Việt – Áo. Tuy nhiên, đến nay các Doanh nghiệp dường như đã khai thác khá sát sao các lợi thế định lượng mà Hiệp định mang lại như thuế. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường giao thương với EU và Áo, Doanh nghiệp Việt Nam cần phải bám sát thị trường, nắm chắc và khai thác những quy định về an toàn thực phẩm, về lao động, chống gian lận thương mại, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường ngày càng được áp dụng nhiều hơn và sâu hơn trong thương mại tại EU. Đây là yếu tố thể hiện các giá trị của châu Âu đồng thời cũng là công cụ kỹ thuật để khối này bảo vệ người tiêu dung, bảo vệ thị trường và thể chế của mình mà nếu không hiểu rõ các doanh nghiệp ngoài khối sẽ không thể khai thác có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do với EU.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Chủ tịch Thượng viện Áo Claudia Arpa. (Ảnh: TTXVN) 

Phóng viên: Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hai nước phải làm gì để đưa mối quan hệ Việt Nam – Áo đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Như đã chia sẻ ở trên, niềm tin chính trị là nền tảng duy trì và phát triển quan hệ giữa hai nước. Cả hai nước đều đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc trong quan hệ quốc tế. hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi, tăng cường kết nối nhân dân, địa phương, giao lưu văn hóa giáo dục, làm cho gắn bó giữa hai nước đi vào chiều sâu và bền vững.

Hợp tác kinh tế giúp gắn bó lợi ích, hai bên bổ khuyết cho nhau để khai thác tối đa tiềm năng của mỗi bên, mang lại lợi ích cho nhân dân hai bên là yếu tố thiết thực gắn kết lợi ích lâu dài. Vì vậy hai bên cần ưu tiên cho các doanh nghiệp xúc tiến giao thương mạnh mẽ hơn nữa, trước mắt là tiếp tục phát huy lợi thế mà EVFTA mang lại, đồng thời nâng cao kỹ năng, hiệu quả và tính cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Áo và EU thông qua bám sát, nghiên cứu thị trường cũng như hệ thống pháp lý của cả hai bên. Trên tinh thần đó, hai nước cần tăng cường hợp tác giữa các địa phương, trao đổi giáo dục, hợp tác đào tạo nghề và cung ứng lao động có nghề, tăng cường hợp tác trong đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng chuyển hóa các sáng chế khởi nghiệp thành sản phẩm, xây dựng các chuỗi cung ứng…

Phóng viên: Áo là một trong những quốc gia ở Châu Âu có đông người Việt Nam học tập và sinh sống. Đại sứ có thể cho biết, cộng đồng người Việt tại Áo có vai trò như thế nào trong việc làm cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước nói riêng cũng như góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt Nam – Áo?

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Con người là chủ thể chính, là yếu tố cốt lõi của giao lưu hợp tác giữa các quốc gia. Cộng đồng người Việt tại Áo cũng như những người Áo yêu mến và hợp tác với Việt Nam chính là cầu nối lâu dài giữa hai nước. Hiện nay tại Áo có 4 Hội đoàn chính thức của Người Việt tại Áo và Hội hữu nghị Áo Việt. Đây là những hạt nhân hữu nghị Áo – Việt. Hội hữu nghị Việt – Áo được thành lập năm 2022 cũng là hạt nhân hữu nghị từ phía Việt Nam. Trong thời gian tới đã có một loạt hoạt động giao lưu của các địa phương (Giao lưu giữa Hải phòng với Linz, giữa Tyrol và Lai Châu, giữa Graz và Đà Nẵng, Vĩnh phúc…), các hội nói trên nhằm tăng cường kết nối chặt chẽ giữa hai bên.

Nhằm tăng cường giao lưu giữa hai nước, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã bổ nhiệm một Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Bang Styria và Carinthia và Văn phòng Lãnh sự sẽ sớm đi vào hoạt động, dự kiến vào cuối tháng 2 sắp tới. Đây sẽ là một cầu nối nữa cho mối giao lưu giữa Styria và Carinthia, hai trung tâm công nghiệp và sáng tạo lớn nhất Áo với Việt Nam.

Phóng viên: Nhân dịp Tết đến Xuân về, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo có tổ chức các hoạt động gặp gỡ chào đón Xuân Giáp Tý 2024 cho cộng đồng người Việt Nam tại Áo?

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng Việt Nam tại Áo và châu Âu nhân chuyến thăm Áo (Ảnh: TTXVN) 

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Tết cổ truyền là dịp người Việt khắp nơi hướng về gia đình, quê hương và truyền thống, cội nguồn. Đại sứ quán Việt Nam tại Áo kết hợp với các Hội đoàn tổ chức một cuộc giao lưu vào ngày 25 tháng Chạp với chủ đề Xuân Quê hương với sự tham gia đông đảo của gần 800 bà con từ Viên và nhiều thành phố lân cận tham gia. Trong những ngày đầu xuân, Hội Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Viên cũng tổ chức một cuộc Liên hoan đón Xuân với đông đảo bà con cùng dự. Dự kiến, Đại sứ quán và Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo cũng sẽ tổ chức một cuộc giao lưu với chủ để Bánh Chưng vào ngày Rằm tháng Giêng với mục đích tạo một sân chơi cho thanh thiếu niên Việt tại Viên thêm hiểu biết, gắn bó với truyền thống, tăng cường giao lưu và trau dồi tiếng Việt, văn hóa Việt.

Có thể nói các hoạt động giao lưu chính trị, kinh tế giữa Việt Nam và Áo đã có đà và phát triển tích cực theo xu hướng chung của đối ngoại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng cần liên tục duy trì và phát triển cộng đồng người Việt với điểm then chốt là gắn bó đoàn kết hướng về tổ quốc và với lực lượng chính, ưu tiên chính là thanh thiếu niên. Trong hoạt động của cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và tại Áo nói riêng, chất kết dính quan trọng nhất của cộng đồng là tiếng Việt. Tiếng Việt gắn kết bà con trong với ngoài nước, bà con giữa các vùng miền khác nhau, giữa các thế hệ khác nhau. Thanh thiếu nên chính là lực lượng nòng cốt của cộng đồng và cộng động chỉ có thể đoàn kết vì cũng chia sẻ niềm khao khát xây dựng đất nước tốt đẹp, tốt đẹp hơn nữa cho các thế hệ mai sau.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực