Quan hệ Việt Nam – Wallonie-Bruxelles: Hướng tới tương lai tràn đầy hy vọng

Thứ hai, 27/09/2010 16:37

(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm ngày thành lập Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (27/9), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ngài Franck PEZZA, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam xung quanh mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa Việt Nam và vùng Wallonie – Bruxelles. 

 

Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam Franck PEZZA (Ảnh:HH)

Phóng viên (PV): Xin ngài Trưởng đại diện cho biết những nét nổi bật trong quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam kể từ khi vùng Wallonie-Bruxelles và Việt Nam thiết lập quan hệ song phương?

Trưởng đại diện Franck PEZZA: Trước hết, tôi muốn chúng ta hãy cùng nhau ôn lại lịch sử của mối quan hệ hợp tác song phương giữa Wallonie – Bruxelles và Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến thời điểm năm 1993, khi Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp chính thức ký Hiệp định Hợp tác đầu tiên với Việt Nam. Sau đó, năm 2002, Hiệp định này đã được mở rộng với sự tham gia của vùng Wallonie và Ủy ban Cộng đồng nói tiếng Pháp vùng Bruxelles - thủ đô của Bỉ.

Năm 1996, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles được thành lập tại Việt Nam, trở thành cơ quan đại diện ngoại giao của các chính phủ có sử dụng tiếng Pháp thuộc Bỉ và hoàn toàn có quyền tự chủ trong việc thực hiện các thẩm quyền riêng do đặc thù quy định trong thể chế của Liên bang Vương quốc Bỉ. Bên cạnh Phái đoàn được mở thêm tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2009, Phái đoàn tại Việt Nam là một trong hai Phái đoàn Wallonie-Bruxelles duy nhất được mở ra tại châu Á. Đây là bằng chứng rõ nét cho thấy rằng: đối với chúng tôi, Việt Nam là đất nước được ưu ái đặc biệt. Chúng tôi cam kết hỗ trợ quá trình phát triển và tiến bộ của Việt Nam, dựa trên tinh thần hợp tác toàn diện lâu dài giữa các bên đối tác thực sự hiểu nhau, cùng hành động dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tin cậy và hữu nghị.

Chương trình hợp tác của chúng tôi với Việt Nam được xây dựng và triển khai trong nhiều lĩnh vực song lĩnh vực ưu tiên vẫn là đào tạo đại học. Chính vì thế, chúng tôi đã, đang và sẽ cùng chia sẻ mối quan tâm với chính phủ Việt Nam trước những thách thức đặt ra trong lĩnh vực giáo dục. Song song với việc hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, chúng tôi cùng tham gia đào tạo, nâng cao trình độ cho nhiều cán bộ, chuyên gia có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Đào tạo bậc đại học và nghiên cứu được xem là những nội dung chính trong chương trình hợp tác giai đoạn 2010-2020 giữa Việt Nam và Wallonie-Bruxelles. Hiện nay, chương trình đang được triển khai với kết quả đặc biệt khả quan.

Tuy nhiên, nhìn chung, về nguyên tắc, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles là cầu nối cho các dự án được thực hiện giữa các đối tác Việt Nam và Bỉ (Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ) trong mọi lĩnh vực, cho dù đó là khoa học, kỹ thuật, văn hóa, hay các lĩnh vực khác.

PV: Trong thời gian vừa qua, hai bên đã tiến hành hợp tác khá chặt chẽ trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Ngài có thể cho biết thêm về những thành tựu nổi bật trong quá trình hợp tác văn hóa, giáo dục đã được hai bên khai thác một cách hiệu quả?

Trưởng đại diện Franck PEZZA: Như tôi đã nói ở trên, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đặc biệt là đào tạo bậc đại học được xem là nền tảng chính của chương trình hợp tác giữa Wallonie – Bruxelles và Việt Nam. Các dự án hợp tác đào tạo đại học ngày càng được đầu tư mở rộng. Theo tôi, trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các chương trình hợp tác trong lĩnh vực “nghiên cứu” và đặc biệt hướng tới lĩnh vực “nghiên cứu mũi nhọn”.

Tôi cũng muốn nêu ra ở đây các hoạt động của APEFE, Cơ quan triển khai kỹ thuật, chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tương trợ quốc tế của Wallonie-Bruxelles. Trên thực tế, chương trình hoạt động dài hạn (gọi tắt là PPA) của APEFE, trong giai đoạn 2008-2010, sẽ hoàn thành vào tháng 12/2010. Như vậy, các chương trình hợp tác được APEFE triển khai thành công sẽ hoàn thành đúng thời hạn, ngoại trừ chương trình được thực hiện với các chuyên gia bảo quản, phục dựng của các Bảo tàng tại Việt Nam và sẽ được Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tiếp quản. Ngay sau đó, chương trình hợp tác, giai đoạn 2011-2013, sẽ được khởi động từ ngày 01/01/2011, tập trung vào lĩnh vực đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Được xây dựng trong khuôn khổ Hội thảo thẩm định dự án diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 4 vừa qua, chương trình này sẽ mang tầm cỡ khu vực và nhằm góp phần phát triển kinh tế của 3 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia thông qua việc nâng cao trình độ của đội ngũ lao động chất lượng cao và cải thiện tính tương thích giữa đào tạo và việc làm trong một số lượng lĩnh vực nhiều nhất có thể. Đây là mảng hoạt động khác trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Wallonie-Bruxelles. Mảng hoạt động thứ ba liên quan tới lĩnh vực kinh tế do Đại diện kinh tế và thương mai vùng Wallonie quản lý, đặt trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.

Liên quan tới vấn đề đa dạng văn hoá, đây được xem là một trong những giá trị căn bản của Cộng đồng Pháp ngữ, vượt ra ngoài khuôn khổ của vùng Wallonie-Bruxelles. Đa dạng văn hóa phải được thể hiện không chỉ thông qua các hoạt động giới thiệu nghệ sĩ Bỉ tại Việt Nam mà còn thông qua các hoạt động giới thiệu nghệ sĩ và các môn nghệ thuật của Việt Nam tại Bỉ.

Năm 2010, chúng tôi đã tiến hành làm việc với đối tác Việt Nam, châu Âu và đối tác Pháp ngữ với mục đích củng cố nền tảng hợp tác vốn có và sáng tạo, phát huy các chương trình hành động mới. Có thể kể tới: Liên hoan Phim tài liệu quốc tế lần thứ hai tại Hà Nội với thành công hết sức rực rỡ; Tuần lễ Truyện tranh tại Việt Nam lần thứ nhất diễn ra vào tháng 6 vừa qua, hay sự tham gia đông đảo của các đoàn nghệ thuật Wallonie-Bruxelles vào Festival Nghệ thuật Huế. Gần đây nhất, Những ngày văn hóa Việt Nam tại Bruxelles, diễn ra từ ngày 2 – 3/ 9 vừa qua, với thành công rực rỡ, là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại nơi vừa là thủ đô của Bỉ, đồng thời cũng là thủ đô của Liên minh châu Âu.

Năm 2010 đã, đang và tiếp tục sẽ là một năm hợp tác thực sự sôi động trên toàn bộ các lĩnh vực này.

 

Lễ ký kết Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam / Wallonie-Bruxelles, giai đoạn 2010 - 2011

PV: Xin Ngài cho biết về một số định hướng, chương trình hành động trong thời gian tới nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác song phương giữa Wallonie-Bruxelles và Việt Nam ngày càng tốt đẹp và bền chặt?

Trưởng đại diện Franck PEZZA: Ngày 27/9 được Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp chọn là Ngày Thành lập của Cộng đồng này. Năm nay, ngày kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt bởi Bỉ hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng châu Âu, còn Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN. Ngoài ra, chỉ còn một vài ngày nữa là Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) diễn ra tại Bruxelles (từ ngày 4 - 5/10) và cũng chỉ còn một vài ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây là giai đoạn đầy ắp sự kiện.

Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội với một dự án âm nhạc ác-cooc-đê-ông Việt-Bỉ-Pháp, đặc biệt với sự có mặt của nghệ sĩ đàn ác-cóoc-đi-ông người Bỉ Thibaut Dille. Chắc chắn, chúng tôi cũng sẽ tham gia Festival Âm nhạc châu Âu với bộ tam tấu Việt –Bỉ với sự có mặt của nghệ sĩ ghita tên tuổi Fabien Degryse. Ngoài ra, vào tháng 12 tới đây, chúng tôi sẽ cùng phối hợp với Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế lớn về quan hệ giữa Liên minh châu Âu với ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng. Riêng năm 2011, ngoài chương trình hợp tác vẫn đang diễn ra theo Ủy Ban Hỗn hợp, chúng tôi sẽ cùng với một số đối tác châu Âu tại Việt Nam nghiên cứu và đưa ra ý tưởng tổ chức một số hoạt động văn hóa khác nữa. Tuy nhiên cho phép tôi được giữ bí mật này!

PV: Là người đã từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Hai năm – thời gian không quá dài song cũng đủ để mang tới cho Ngài không ít những cảm xúc về đất nước và con người nơi đây?

Trưởng đại diện Franck PEZZA: Kể từ khi bắt đầu đặt chân tới đất nước các bạn và trong suốt hai năm sống và làm việc tại đây, tôi luôn tranh thủ thời gian nghỉ trong nhiệm kỳ công tác của mình để đi du ngoạn khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam, và tôi nhận thấy rằng Việt Nam là một đất nước tuyệt vời, với thiên nhiên phong phú và đa dạng văn hóa. Bên cạnh đó, đất nước các bạn còn đang “chuyển mình” với tốc độ phát triển kinh tế hết sức ấn tượng. Việt Nam có cội nguồn lịch sử lâu đời, có bản sắc văn hóa rõ nét, đang trên con đường xây dựng và phát triển với niềm tin vững chắc vào tương lai. Và tôi cũng vậy, tôi cũng tràn đầy hy vọng và vững tin vào hai năm nhiệm kỳ còn lại của mình tại Việt Nam.

PV: Ngài có thể chia sẻ cụ thể hơn cảm nghĩ về thủ đô của chúng tôi trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội?

Trưởng đại diện Franck PEZZA: Nếu để bày tỏ tình cảm sâu sắc của tôi đối với Hà Nội, chúng ta hãy vượt ra khỏi những gì gọi là ngoại giao và bước vào thế giới của thi ca, và khi đó, có lẽ tôi sẽ dùng thật nhiều, thật nhiều ngôn từ mới có thể diễn tả hết được cảm xúc của mình. Tự đáy lòng mình, tôi rất vui và tự hào được có mặt tại Hà Nội khi thủ đô của các bạn kỷ niệm 1000 năm tồn tại của mình theo cách rất ấn tượng. Nhân dịp này, tôi cũng xin gửi lời chúc tới Hà Nội 1000 năm hạnh phúc, hòa bình và thịnh vượng!

Nhưng ngoài sự kiện này, tôi phải nói rằng đối với các nhân tôi, gia đình tôi, được sống tại Hà Nội là niềm vui thích mỗi ngày. Hà Nội là thành phố tuyệt vời, có nét duyên dáng độc nhất của châu Á với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể diệu kỳ. Tham dự, thậm chí đóng góp cho các cuộc bàn luận về cách tốt nhất để cho thành phố tiếp tục phát triển đồng thời vẫn gìn giữ được di sản này là điều làm tôi say mê. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng nét đẹp nhất của Hà Nội chính là con người nơi đây, người Hà Nội, cũng như người Việt Nam trên toàn lãnh thổ đất nước các bạn. Tôi thấy rằng người Việt Nam rất dễ mến, niềm nở và hiếu khách. Đó là những phẩm chất đáng quý mà chúng tôi, những người bạn nước ngoài, cảm nhận thật rõ ràng khi chúng tôi sinh sống trên đất nước này.

PV: Trân trọng cảm ơn ngài Trưởng đại diện!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực