Sáng tạo trong triển khai việc học tập và làm theo Bác
Chia sẻ tại trung tâm thảo luận về chủ đề “Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội”, sinh viên Lê Thị Ngọc Tuyết, Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, sinh viên trong trường đã duy trì rất hiệu quả việc viết sổ nhật ký làm theo lời Bác.
“Mỗi tháng, mỗi hội viên sẽ viết một câu chuyện về Bác rồi tự liên hệ với bản thân xem điều gì mình có thể học, làm theo Bác, những điều đã làm được, chưa làm được; những điểm cần khắc phục. Đây là cách làm thiết thực để sinh viên rèn luyện đạo đức phẩm chất, tác phong”, Ngọc Tuyết chia sẻ.
Quang cảnh tổ về chủ đề “Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội” - Ảnh: Minh Châu
Cũng nói về việc học tập và làm theo Bác trong sinh viên, đại biểu Tạ Thị Thu Huyền, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội cho biết Hội Sinh viên của trường đã tổ chức cho sinh viên tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua báo tường, sáng tác, vẽ tranh, kể chuyện Bác Hồ. Với cách làm uyển chuyển, không khô khan, cứng nhắc, hoạt động này đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Cuộc đời của Bác, tấm gương của Bác qua các hoạt động này đã lan tỏa tới người trẻ, khiến các bạn có thêm động lực trở thành công dân tốt.
Với Nguyễn Phương Thảo, sinh viên Đại học Hàng Hải, Hải Phòng, đổi mới phương thức giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên là việc làm cần thiết. Theo Thảo, việc học lý thuyết chỉ với cuốn giáo trình sẽ làm giảm hứng thú tìm hiểu kiến thức của sinh viên đồng thời chia sẻ cách làm mà Đại học Hàng Hải đang triển khai được sinh viên đón nhận đó là, sinh viên ngoài học lý thuyết trên lớp thì có cách học thông qua diễn kịch, thuyết trình. Các nhóm được chọn chủ đề liên quan tới môn học để tìm hiểu, tự triển khai xây dựng kịch bản và thể hiện, qua đó tạo hứng khởi cho sinh viên. Giáo viên qua đó cũng đánh giá được hướng tiếp cận, chất lượng học tập của sinh viên.
Hỗ trợ sinh viên không thể ngồi trong máy lạnh
Bàn về chủ đề “Hội Sinh viên Việt Nam với hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên”, đại biểu Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên TP Hồ Chí Minh đề xuất, việc làm này muốn hiệu quả thì không thể xuất phát từ các chương trình được “vẽ” ra khi cán bộ Hội ngồi máy lạnh bởi như vậy sẽ không trúng với nhu cầu của sinh viên, cũng như nhu cầu của xã hội.
“Việc hỗ trợ sinh viên về kỹ năng để tìm kiếm việc làm thì những kỹ năng này phải có khảo sát từ phía doanh nghiệp để lên khung định hướng đào tạo kỹ năng phù hợp thông qua các giờ học, hoạt động thực tế, sinh hoạt ngoại khoá”, đại biểu Dũng ví dụ.
Ủng hộ đề xuất này, đại biểu Hà Minh Công, Đại học Cần Thơ cho hay, doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về nhân sự nhưng sinh viên tham gia ứng tuyển hiện rất thiếu kinh nghiệm và kỹ năng thực tế. Mặc dù Hội Sinh viên các trường đều có những buổi tư vấn và giới thiệu việc làm nhưng chỉ dừng lại ở kết nối doanh nghiệp và sinh viên, chưa có hỗ trợ đào tạo kỹ năng.
“Bắt tay” với doanh nghiệp tìm lời giải cho sản phẩm sáng tạo của sinh viên
Bàn về chủ đề: “Sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học”, đại biểu Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cần “bắt tay” với doanh nghiệp tổ chức các cuộc thi nghiên cứu khoa học lớn gắn liền với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp từ đó, những sản phẩm nghiên cứu khoa học sinh viên sẽ có cơ hội áp dụng trong thực tiễn, giải quyết được vấn đề doanh nghiệp đang cần.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Việt Anh bổ sung, sinh viên cần quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp, Trung ương Hội Sinh viên Việt nên tạo diễn đàn để doanh nghiệp và sinh viên kết nối, tìm hiểu nhu cầu lẫn nhau, hỗ trợ tài chính, tạo động lực để sinh viên theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Điều Minh Châu, sinh viên Đại học Dược Hà Nội kiến nghị, Hội Sinh viên cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, thành phố nên có quỹ hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu khoa học bởi với nhiều sinh viên niềm đam mê nghiên cứu khoa học là không nhỏ nhưng họ lại thiếu kinh phí để theo đuổi đam mê.
Ngoại ngữ là cánh cửa mở ra thế giới
Thảo luận về chủ đề “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam”, sinh viên Nguyễn Trọng Hoàng Nam, Hội phó Hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài (hiện đang là du học sinh Anh) cho rằng, muốn hội nhập thì sinh viên phải biết tôn trọng bản thân, trường học, tổ chức, văn hóa đất nước mình để không đánh mất bản sắc dân tộc, sau đó là tôn trọng đất nước bạn. Tiếp theo là cần những kỹ năng khác như ngôn ngữ, văn hóa ứng xử…Từ trải nghiệm của bản thân, Hoàng Nam cho biết, rào cản ngôn ngữ để tiến tới hội nhập là khá lớn.
Đại biểu nêu ý kiến tại trung tâm thảo luận - Ảnh: Minh Châu
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Vũ Văn Thuận, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, ngoại ngữ là cánh cửa mở ra thế giới, giúp sinh viên tự tin hội nhập. Giỏi ngoại ngữ sẽ quảng bá sâu rộng được con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.