Cần có chính sách thu hút phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp

Thứ sáu, 15/12/2023 18:15
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ta tại Hội thảo Tham vấn chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức ngày 15/12, tại Hà Nội.

Theo báo cáo, đến nay các cơ sở GDMN ngoài công lập đã góp phần đáng kể trong việc huy động trẻ đến trường, giảm gánh nặng cho các trường công lập, đặc biệt ở các địa bàn các thành phố lớn, địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất. Có 5.172.450 trẻ em tới trường, lớp, đạt tỷ lệ 70.4% (trẻ nhà trẻ 32.1%, trẻ mẫu giáo 93.1%); trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường duy trì 99.7%.

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên mầm non (GVMN) ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trong 10 năm trở lại đây, khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Do nhu cầu cao về lao động ở một số tỉnh, thành phố phát triển nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn tới gia tăng dân số cơ học, kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân.

Để hỗ trợ giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để các địa phương đầu tư phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn; tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TH. 

Tham luận tại hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục mầm non đã nêu ra một số khó khăn khi thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp. Trong đó, có những khó khăn liên quan việc xác nhận tiêu chuẩn, đối tượng, hồ sơ của cha mẹ trẻ tại các nhà máy, xí nghiệp để trẻ cũng như giáo viên mầm non được hưởng hỗ trợ theo quy định.

Từ thực tế triển khai, các đại biểu kiến nghị: Chính phủ xem xét ban hành các quy định đặc thù trong việc ưu đãi về thuế, cho thuê đất (thời gian dài) và tài sản công để thực hiện chính sách xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư phát triển GDMN ở địa bàn có KCN, nơi tập trung nhiều lao động. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư công theo hướng ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở GDMN tại KCN, khu vực đông dân cư, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc sử dụng một phần kinh phí trích từ nguồn thu của KCN để tái đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non, đẩy mạnh phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại KCN…

Kết luận hội thảo, bà Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho biết: Trong thời gian tới Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tới các cấp quản lý triển khai thực hiện chính sách, các đối tượng thụ hưởng; tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách bảo đảm đúng đối tượng và các quy định về thủ tục hồ sơ…

Để chính sách được thực hiện kịp thời, cần có sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn các cấp để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc xác nhận nơi làm việc của cha mẹ làm việc tại khu công nghiệp, đảm bảo chế độ cho trẻ em và tạo điều kiện để giáo viên mầm non đủ điều kiện được hưởng chính sách./.

 Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 212 đơn vị cấp huyện có KCN, KCX được thành lập với 14.204 cơ sở GDMN (3.175 trường công lập, 1.991 trường ngoài công lập và 9.038 cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập). Các cơ sở này huy động hơn 1,7 triệu trẻ em (64,1% tại trường công lập, 18% tại trường ngoài công lập, 17,8% tại cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập) trong đó đa số trẻ em con công nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực