Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Công bố thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe

Thứ ba, 16/07/2024 20:58
(ĐCSVN) - Ngày 16/7, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức Lễ công bố và trao các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe và quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc.
PGS,TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN trao quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe cho PGS,TS Vũ Hải Quân.

Tại buổi lễ, ĐHQG-HCM công bố và trao quyết định thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe trên cơ sở phát triển Khoa Y trực thuộc Đại học. Khoa này được thành lập năm 2009, đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe, theo mô hình trường học - bệnh viện, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Khoa đang đào tạo sinh viên thuộc 5 ngành: Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và Điều dưỡng. Ở bậc đào tạo sau đại học, chuyên khoa cấp 1, có 5 chuyên ngành gồm: Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa và Tai Mũi Họng. Ở bậc đào tạo Bác sĩ Nội trú, có 4 chuyên ngành gồm: Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa và Tai Mũi Họng.

Dịp này, ĐHQG-HCM trao tặng danh hiệu Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Khoa học Sức khỏe cho GS.TS Bác sĩ Đặng Vạn Phước - người giữ chức vụ Trưởng khoa Y kể từ khi thành lập đến nay.

ĐHQG-HCM được thành lập năm 1995, đến nay có 10 cơ sở đào tạo, gồm 8 trường đại học thành viên (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Khoa học Sức khỏe), Viện Môi trường và Tài nguyên, Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre. Đại học này có quy mô đào tạo hơn 90.000 sinh viên.

Cũng tại buổi Lễ, ĐHQG-HCM đã công bố, trao các quyết định về việc bổ nhiệm hai Phó Giám đốc gồm: GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai và PGS.TS Trần Cao Vinh.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (sinh năm 1974, quê Quảng Ngãi), tốt nghiệp ngành Hóa học Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM); TS chuyên ngành Hóa Dược tại Trường Đại học Y Dược Toyama, Nhật Bản; trở thành Phó Giáo sư năm 2014 và Giáo sư vào năm 2021. Năm 2023, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã có hơn 80 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; giành nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học như Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2019, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021… Trước khi được bổ nhiệm, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, kiêm Hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐHQG-HCM. 

PGS.TS Trần Cao Vinh (sinh năm 1972, quê Trà Vinh), tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật lý Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM). Ông lấy bằng Tiến sĩ Vật lý vào năm 2009 và đến tháng 1/2017 được công nhận Phó Giáo sư, là Giảng viên cao cấp Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ông tham gia công tác quản lý qua nhiều chức vụ, từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2020, ông là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, từ tháng 10/2020 đến nay, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường.

Trường Đại học Khoa học Sức khỏe đang đào tạo 5 ngành bậc đại học, gồm: y khoa, dược học, răng hàm mặt, y học cổ truyền và điều dưỡng. Đối với đào tạo sau đại học, Trường đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 1 với 5 chuyên ngành, gồm: nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa và tai mũi họng. Đối với hình thức đào tạo bác sĩ nội trú, có 4 chuyên ngành, gồm: ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa và tai mũi họng.

Tính đến nay, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe đã có 8 khóa tốt nghiệp bác sĩ y khoa, 3 khóa tốt nghiệp dược sĩ, cung cấp nguồn nhân lực cho hệ thống y tế nước nhà hơn 1.000 bác sĩ, dược sĩ. Trước đó, ngày 23/5, Tổ chức AUN đã trao giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng kiểm định cho chương trình đào tạo y khoa của Nhà trường. Trường tiếp tục kiểm định đối với CTĐT dược học theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Năm 2024, ĐHQG-HCM dự kiến khởi công xây dựng 3 tòa nhà hiện đại cho Trường (YB1, YB2, YB3) với tổng diện tích xây dựng khoảng 8.300m2 và diện tích sàn 33.400m2, đáp ứng quy mô đào tạo cho khoảng 3.000 sinh viên. Nguồn kinh phí xây dựng được lấy từ nguồn kinh phí dự án của Ngân hàng Thế giới (dự án VUDP).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực