Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?

Chủ nhật, 07/04/2024 15:48
(ĐCSVN)- Sách giáo khoa (SGK) đã trở thành vấn đề "nóng" trong vài năm gần đây. Việc xuất hiện nhiều đơn vị cùng tham gia công tác biên soạn và phát hành sách giáo khoa đã dẫn đến một số vấn đề gây nhiều tranh luận. Trong đó, giá sách theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cao hơn giá sách Chương trình cũ khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức Tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?”, nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các cơ quan chức năng, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục về vấn đề nói trên.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội  

Việc định giá SGK không cản trở xã hội hóa

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: Vấn đề SGK, giá SGK luôn là mối quan tâm chung của xã hội. Trước khi vào năm học mới, bao giờ dư luận xã hội cũng có rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề giá SGK với mong muốn chung là có bộ sách ở mức giá phù hợp. Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV mới đây đã thông qua Luật Giá, trong đó xác định SGK được bổ sung vào danh mục được Nhà nước định giá, có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo quy định của Luật Giá, SGK do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá tối đa, các nhà xuất bản (NXB) tự quyết định giá cụ thể trong trần chung.

SGK là mặt hàng tác động đến đông đảo người học, phụ huynh, xã hội. Với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, rõ ràng việc điều chỉnh, điều tiết giá SGK là khoản kinh phí rất lớn và tác động diện rộng. Thay đổi giá một cuốn SGK không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn.

Các NXB là đơn vị chịu tác động trực tiếp trong các quy định của Luật Giá. Trong quá trình Quốc hội thảo luận về nội dung Nhà nước định giá SGK, nhiều ý kiến tiếp cận từ góc nhìn các NXB còn băn khoăn. Băn khoăn lớn nhất là liệu có là rào cản thực hiện chủ trương xã hội hóa hay không khi đưa SGK vào xã hội hóa. Quốc hội nghiên cứu, xem xét và tính toán rất kỹ, quyết định đưa ra phương pháp định giá, xác định giá trần.

Nhà nước định giá SGK, đưa ra giá trần là đang hướng tới đối tượng người tiêu dùng, để họ không phải chịu bộ SGK ở mức giá quá cao. Phía các NXB, nhìn tổng thể chắc chắn cũng không bất lợi. Bởi vì khi xác định mức trần giá SGK, các NXB hẳn phải có tính toán nhất định để điều chỉnh làm sao khâu đầu vào của quá trình biên soạn, phát hành SGK bảo đảm ở mức có thể chấp nhận được. Nếu xác định trần giá SGK, đồng thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường, sẽ trao quyền quyết định giá bán cụ thể cho các NXB. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu những quy định của Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân tích, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng thì sẽ có thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc định giá SGK không cản trở xã hội hóa mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thực hiện chủ trương xã hội hóa một cách đúng hướng và bảo đảm mục tiêu định giá SGK nhưng đồng thời vẫn khuyến khích, tạo động lực để các NXB tham gia xuất bản SGK.

Vấn đề giá SGK luôn luôn làm các nhà giáo dục đau đầu, phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ dư luận, phụ huynh, các cơ quan thông tin đại chúng về việc giảm giá SGK. Việc trao quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Bộ Tài chính định giá SGK là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được thực hiện quyền, trách nhiệm của mình đối với người học. Khi có giá SGK hợp lý, chắc chắn ngành giáo dục không phải đối mặt với tác động từ dư luận xã hội về giá SGK.

Vậy vấn đề cần tập trung nhiều hơn là về chất lượng SGK. Có lẽ chúng ta phải hướng tới không bị chi phối quá nhiều bởi việc sách cao hay thấp mà quan tâm nhiều hơn là chất lượng SGK có bảo đảm để thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như chúng ta đặt ra hay không.

 Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT

Sớm ban hành quy định về giá tối đa SGK

Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan để nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định trong Nghị quyết 686 để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số: 32/NQ-CP.

Nghị quyết số 32 được ban hành đã thể hiện đầy đủ, toàn diện các nghĩa vụ mà NQ 686 đề ra, trong đó cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, với quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai NQ 686.

Đối với kế hoạch triển khai của Bộ GD&ĐT, đã ban hành những nhiệm vụ trước mắt. Về vấn đề SGK, trong NQ 32 của Chính phủ cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong NQ 686. Với nội dung này, Bộ GD&ĐT chia thành 3 nhóm vấn đề mà trong NQ của UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan thưc hiện.

Nhóm thứ nhất là tổng kết đánh giá đổi mới chương trình SGK phổ thông, tổng kết đánh giá xã hội hóa SGK. Từ đó, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ về việc sử dụng ngân sách theo yêu cầu nghị quyết của UBTVQH cũng được đánh giá trong thông tư này.

Nhóm thứ hai là hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in phát hành SGK tiếng dân tộc thiểu số và SGK cho người khiếm thị, đồng thời hướng dẫn in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, SGK điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Nhóm thứ ba là ban hành quy định về giá tối đa SGK, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các  quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có quy định có thể áp dụng cho SGK, hay quy định giá trần SGK.

 GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Cần đánh giá, rà soát lại toàn bộ các quy trình của SGK

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ:  Vấn đề giá SGK đang được cả cộng đồng rất quan tâm, do đó, việc phải làm thế nào để kiểm soát được giá SGK mà vẫn bảo đảm nhu cầu cho người học và phù hợp với khả năng thanh toán của người dùng, đồng thời cũng khuyến khích được các đơn vị xuất bản ra SGK có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương thực hiện đa dạng hóa một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa. Tôi cho rằng, dù áp dụng giải pháp nào cũng phải phải hướng đến đa mục tiêu. 

Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là sẽ xây dựng một hướng dẫn thực hiện quy định về định giá của bộ để hướng dẫn cho đơn vị xuất bản trên cơ sở đó định giá ra SGK của mình, nhưng đồng thời cũng đưa ra mức tối đa của mỗi một loại SGK đó. Đây là một nhiệm vụ nặng nề.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó với một hàng hóa thông thường nói chung và đặc biệt đối với SGK thì việc soạn thảo, ban hành được bộ SGK đó phải trải qua rất nhiều khâu.

Việc đầu tiên là chúng ta phải đi đánh giá, rà soát lại toàn bộ các quy trình từ khâu đầu tiên là tổ chức biên soạn ra bản thảo SGK, sau đó triển khai thử nghiệm, thẩm định, bổ sung rồi tái thẩm định đến khi được phép in ấn và lưu hành. Tiếp đó là khâu in ấn sách sẽ có những công đoạn như thế nào và phát hành đến tay người học.

Mỗi khâu đó chúng ta cần xem xét, đánh giá tỷ mỉ và có sửa đổi nếu chưa phù hợp. Bởi vì, nếu các khâu đã phù hợp thì sau đó mới được tính là yếu tố đầu vào để tính chi phí và cần loại bỏ các khâu chưa phù hợp để tránh việc đội chi phí sách giáo khoa lên.

Bên cạnh đó, cần tính toán chính xác chi phí của các khâu đó là bao nhiêu, xác định được đơn giá, chi phí cho các hoạt động ở các khâu đó cũng là một điều rất khó… Vì hiện nay, phải căn cứ vào rất nhiều quy định để tính giá, chi phí đầu vào cho từng khâu… Như vậy, chúng ta cần rà soát lại tất cả những đầu công việc để có thể tính ra được tổng các chi phí cho việc ra đời được một bộ sách. Tuy nhiên, mức giá này chưa phải là giá thành bán của một bộ SGK, mà giá bán của SGK còn phụ thuộc vào yếu tố thứ hai là thị trường. Vì nếu chúng ta cho ra được một bộ SGK rồi, nhưng nếu số lượng người học đông, khiến số lượng sách in tăng lên rất nhiều, thì giá thành sẽ rẻ. Nhưng một lần in mà số lượng sách nhỏ thì chắc chắn giá thành sẽ cao.

 Toàn cảnh tọa đàm

Do vậy, vấn đề thứ hai là phải đánh giá thị trường của mỗi một cuốn sách, thị trường của mỗi loại sách để xem là các loại sách này có khả năng, quy mô thị trường là bao nhiêu và từ đánh giá thị trường như thế chúng ta mới xác định được quy mô xuất bản và của sản phẩm sách đó. Đó mới là căn cứ giúp tính ra được chi phí giá thành cho từng cuốn SGK.

Ngoài ra, chúng ta còn cần xét đến yếu tố thứ ba là khả năng thanh toán của người học. Chúng ta hiện có nhiều bộ SGK với giá thành khác nhau. Những cuốn sách in trên giấy thường thì giá thành sẽ thấp, nhưng nếu in trên giấy đẹp, in màu giá thành phải cao hơn… Do đó, nên xét đến nhu cầu, khả năng thanh toán của người học ở mỗi vùng miền. Chúng ta cũng cần những bộ SGK với giá thành tốt, ở mức phổ thông, phù hợp và thống nhất với nhu cầu đa số học sinh… Nếu các em học sinh và phụ huynh có nhu cầu mua những cuốn sách giáo khoa đẹp thì chúng ta phải đáp ứng cho họ… Từ đánh giá thị trường, kết hợp với giá thành sản xuất SGK, chúng ta sẽ lên được khung của chi phí cho từng loại sách ở từng cấp độ chất lượng…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tính đến lợi ích cho các nhà sản xuất, sao cho người sản xuất, in ấn phải có lãi. Chúng ta biết rằng, SGK là một mặt hàng tiêu dùng khá thiết yếu đối với người học và lại là một sản phẩm xã hội. Do vậy, chúng ta không thể chạy theo mục tiêu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận. Vì thế, chúng ta cũng phải xác định xem, mức lợi nhuận cho nhà sản xuất bao nhiêu là phù hợp. Muốn xác định được mức lợi nhuận phù hợp thì chúng ta phải căn cứ vào khung giá đã tính toán như đã nói ở trên… Từ đó chúng ta sẽ có được khung giá tối đa cho mỗi loại sản phẩm SGK khác nhau…

Rõ ràng, để xây dựng được mức giá SGK, thống nhất được các vấn đề nói trên thì khối lượng công việc phải hoàn thành là không hề nhỏ…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực