Giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng cần vươn lên đạt chuẩn quốc tế

Thứ tư, 14/06/2023 17:21
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đề nghị, vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông, đến liên cấp và hệ thống các trường đại học, cao đẳng. So với cả nước, tỷ lệ trường đạt chuẩn của vùng đạt cao rồi nhưng phải vươn lên chuẩn cao hơn, dần đạt được các chuẩn quốc tế.

Ngày 14/6, tại tỉnh Nam Định, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Cùng dự có lãnh đạo UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, Phòng Giáo dục các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc các tỉnh, thành phố trong địa bàn vùng Đồng bằng sông Hồng và Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.

 Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Dẫn đầu trong 6 vùng kinh tế - xã hội về hầu hết các chỉ số giáo dục và đào tạo

Báo cáo tình hình phát triển GD&ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2022-2023, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp học của vùng đều gia tăng và đứng đầu cả nước. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 39,9% (cao hơn 14,5% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6% (cao hơn 6,2% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp học phổ thông lần lượt là 99,9% đối với cấp Tiểu học; 98,7% đối với cấp THCS và 92,9% đối với cấp THPT.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, phổ thông và xóa mù chữ được củng cố và nâng cao. Toàn vùng có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% các tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (trong đó có 9 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3); 88,3% tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. 4 địa phương đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành phổ cập trung học phổ thông cấp độ 3 đều thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.

Không chỉ nổi bật ở chất lượng giáo dục đại trà, Đồng bằng sông Hồng còn giàu truyền thống về giáo dục mũi nhọn và giáo dục năng khiếu. Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, 6/11 tỉnh trong vùng và Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong tốp 10 địa phương, đơn vị có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia và nhiều giải Nhất học sinh giỏi quốc gia nhất cả nước.

Năm 2022, toàn vùng có 18 học sinh đoạt giải Olympic khu vực, quốc tế và Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (chiếm 54,5% tổng số thí sinh đoạt giải). Năm 2023 đây tiếp tục là vùng có số học sinh được lựa chọn tham gia các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế nhiều nhất cả nước.

Giáo dục đại học của vùng ngày càng khẳng định là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Toàn vùng hiện có 109 cơ sở giáo dục đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Số lượng sinh viên đại học đứng đầu cả nước. Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sản phẩm nghiên cứu ứng dụng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì thảo luận. (Ảnh: TT)

Nhiều thuận lợi, nhiều kết quả nhưng giáo dục Đồng bằng sông Hồng cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Sự phát triển nóng về kinh tế, cùng với tốc độ đô thị hoá, tăng dân số cơ học nhanh hàng đầu cả nước đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển. Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên đang đang đặt ra cho Đồng bằng sông Hồng thách thức để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp/chứng chỉ.

Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu: Đến năm 2030, Đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Tầm nhìn 2045, Đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Để triển khai thực hiện được các mục tiêu trên, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định cho giáo dục Đồng bằng sông Hồng là tập trung vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục đại học vùng Đồng bằng sông Hồng chia sẻ kết quả giáo dục đạt được, nhận diện khó khăn, thách thức; nêu đề xuất và trao đổi giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Thách thức vượt qua chính mình trong giáo dục và đào tạo

Phát biểu kết luận Hội nghị, bên cạnh ghi nhận những kết quả, thành tựu to lớn của giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dành nhiều thời gian đề cập tới những thách thức trong phát triển giáo dục và đào tạo của vùng xuất phát từ chính vị trí cao và những thành tựu trong hiện tại.

Thách thức đầu tiên, theo Bộ trưởng là thách thức “vượt qua chính mình trong giáo dục và đào tạo”, đồng thời cho rằng, những gì là kinh nghiệm có thể sẽ là rào cản, níu kéo và tạo nên sức ỳ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ở vị trí “người dẫn đầu” trong giáo dục cũng đặt ra cái khó cho Đồng bằng sông Hồng khi phải giải quyết nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và cả cung cấp nhân tài cho sự phát triển của vùng.

Với một vùng đất hiếu học, quan tâm tới sự  học, giáo dục luôn nhận được quan tâm hàng đầu như Đồng bằng sông Hồng, theo Bộ trưởng, đây cũng là áp lực. Thách thức cho giáo dục của vùng còn đến từ đặc điểm tập trung dân cư cao, đòi hỏi cao về giáo dục. Nếu một số vùng khác quan tâm tới chỗ học thì Đồng bằng sông Hồng không chỉ dừng lại ở việc đến trường có chỗ học mà là học với chất lượng cao, đòi hỏi cao.

Chỉ ra những hạn chế, tồn tại xuất phát từ nhu cầu học tập cao, sự quan tâm lớn với giáo dục, Bộ trưởng nhắc tới vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên; chọn trường, chọn lớp; dạy thêm, học thêm; áp lực thái quá cho học sinh; bệnh thành tích trong giáo dục…

Nếu ở vùng khác phải huy động trẻ đến trường thì ở đây phụ huynh phải xếp hàng để mua hồ sơ. Đó là câu chuyện phía sau của “tấm huân chương”. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề cần ưu tiên xử lý ngay của giáo dục vùng Đồng bằng sông Hồng để tiếp tục là mẫu mực và mẫu mực trên một tầm vóc mới của giáo dục. Trong đó, lưu ý các từ khoá: Hiện đại hoá, chuẩn hoá, hợp lý hoá, xã hội hoá, quốc tế hoá, số hoá, văn hoá hoá.

 Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TT)

Nhận định triển khai chương trình mới - một chương trình để hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục - như cuộc cách mạng lớn, không thể trong một sớm, một chiều thực hiện được mục tiêu, Bộ trưởng cho rằng, cần cố gắng thực hiện những gì là “lõi”, căn cốt trước. Trong đó có đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới tư duy giảng dạy của đội ngũ nhà giáo; tận dụng tốt quyền chủ động được trao cho nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên. “Những năm đầu triển khai chương trình mới cho thấy, học sinh đã chủ động, năng động hơn. Đây chính là con đường hiện đại hóa giáo dục phổ thông muốn đạt được”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng đề nghị, vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông, đến liên cấp và hệ thống các trường đại học, cao đẳng. So với cả nước, tỷ lệ trường chuẩn của vùng đạt cao rồi nhưng phải vươn lên chuẩn cao hơn, dần đạt được các chuẩn mang tính quốc tế, nhất là ở các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…

Từ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hoá để người học có nhiều cơ hội hơn, chia sẻ nhiều hơn cho hệ thống công lập, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đối với xã hội hoá giáo dục, các địa phương vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa tăng cường hỗ trợ cho hệ thống giáo dục ngoài công lập, để hệ thống này phát huy được, thể hiện được vai trò của mình.

Đối với tăng cường số hoá, Bộ trưởng nhấn mạnh: Toàn ngành đang đặt trọng tâm là chuyển đổi số, xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành vào công tác quản lý; chuyển đổi số trong chuyên môn, quản trị, dạy và học ngày càng đòi hỏi đạt đến chiều sâu hơn.

Với từ khóa “văn hóa hóa”, theo Bộ trưởng đây là nội dung quan trọng cần phải làm. Cụ thể, cùng với giáo dục văn hóa cho học sinh thì từng nhà trường, nhà giáo, học sinh phải làm việc nữa là “văn hóa hóa giáo dục”, để tố chất văn hóa của giáo dục ngày càng sâu đậm, mẫu mực. Tập trung thực hiện tốt xây dựng văn hoá học đường; trong đó kỷ cương học đường, thái độ, ứng xử của người dạy, người học là trọng tâm. Việc làm sâu sắc các tố chất của văn hóa học đường giống như kháng thể, giúp lấn át các biểu hiện tiêu cực khác.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ cụ thể khác như chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; phát huy lợi thế của một vùng tập trung cao và đa đạng các trường đại học, trong đó có những trường đại học hàng đầu để giải bài toán nhân lực và tạo con đường xây dựng xã hội học tập cho vùng đất hiếu học, thích học và học có chất lượng nhất cả nước./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực