Xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông

Thứ năm, 21/09/2023 22:31
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Trường Đại học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín...

Tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc

Ngày 21/9, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông…

Báo cáo tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Ngô Thị Phương Lan cho biết: Hiện, Nhà trường đang đào tạo cả 3 cấp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, đảm bảo quy mô ổn định khoảng gần 15.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Trường đào tạo 34 ngành bậc thạc sỹ, 17 ngành bậc tiến sỹ trong 7 lĩnh vực.

Riêng trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản truyền thông từ năm 2018 đến nay, Trường đã tuyển sinh các ngành, chuyên ngành liên quan đến hoạt động thuộc lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản truyền thông ở các hệ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… Từ năm 2018 đến năm 2023 đã tuyển sinh đại học đạt 4.482 sinh viên, mức độ tuyển sinh tăng dần theo các năm.

Nhà trường chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội và yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được sắp xếp khoa học, hợp lý đáp ứng yêu cầu cụ thể của các chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông; chủ động cập nhật bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng hiện đại, hệ thống, bảo đảm tính cân đối giữa lý luận với thực tiễn; giữa kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn với yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại, đa loại hình, đa nền tảng, chuyển đổi số báo chí…qua đó góp phần định hình mô hình đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí, truyền thông của Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế.

Công tác tổ chức và quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng chặt chẽ; tăng cường tính tích cực, chủ động của người học…

Các đại biểu trao đổi tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi những giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường; giải pháp nâng cao văn hóa đọc trong sinh viên, trong giới trẻ hiện nay; vấn đề phát triển ngành khoa học xã hội nhân văn đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Ths Phạm Duy Phúc – Phó Trưởng Khoa Báo chí Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Báo chí là một phương tiện rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay bản chất của hoạt động báo chí đang đối mặt với thách thức trong thời kỳ chuyển đổi số, đó là xu thế phát triển của báo chí đa nền tảng, công chúng có nhiều kênh để tiếp cận nguồn thông tin. Thách thức với báo chí là phải chủ động đến với công chúng trên mạng xã hội, trên không gian số.

Đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số là nền tảng số sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi của đội ngũ làm báo, nguồn thông tin được kiểm chứng trước khi đưa đến công chúng hiện thực hiện còn thiếu chặt chẽ, thiếu thẩm định, đe dọa đến niềm tin của công chúng với các cơ quan và đội ngũ người làm báo.

Từ những trăn trở nêu ra, Ths Phạm Duy Phúc nêu 3 kiến nghị cần phải thực hiện, đó là: Trong thời đại ngày nay, cần có sự thay đổi về tư duy của cả hệ thống các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc xử lý thông tin từ các trang mạng xã hội, chủ động biến mạng xã hội trở thành một kênh thông tin tuyên truyền các nguồn thông tin của Đảng, Nhà nước. Việc đào tạo nhân lực của báo chí cần phải nhất quán, trong đó quan tâm đào tạo nâng cao nhận thức chính trị cho những người làm báo; trong bối cảnh chuyển đổi số thì để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi sự đầu tư các nguồn lực cơ sở vật chất để thực hiện tốt vai trò này.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc. Đánh giá về công tác đào tạo và nguồn nhân lực đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đồng tình với các ý kiến của các đại biểu.

Đồng chí khẳng định, cùng với các cơ sở đào tạo báo chí cả nước, Trường Đại học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín, góp phần quan trọng vào việc tạo nguồn nhân lực chất lượng, thúc đẩy sự phát triển, trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí không chỉ của khu vực phía Nam mà trên cả nước.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng: Trong các báo cáo của Trường, của các đơn vị và các ý kiến phát biểu có thể thấy công tác báo chí, xuất bản và công tác đào tạo chuyên ngành báo chí, xuất bản và truyền thông cần phải được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ mới, thời kỳ số. Đặc biệt bản lĩnh, sức mạnh của con người Việt Nam càng phải được thể hiện đầy đủ thông qua hoạt động đào tạo lý luận trong hệ thống trường đại học và thực tiễn xã hội.

“Tính chuyên nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của thời đại, hội nhập của quốc tế; tính tinh thông phải được truyền tải cho đội ngũ người học và người làm báo; nhà trường phải cập nhật kịp thời các quy định, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các vấn đề đổi mới nền báo chí” – Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, một trong ba đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo. Báo chí, truyền thông là lĩnh vực đặc thù, quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chăm lo. Để báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh cách mạng vẻ vang là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn tin cậy của Nhân dân, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước…thì việc chăm lo đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói yếu tố có tính quyết định. Vì vậy, phải có khung chương trình chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi thực tiễn, phù hợp với xu thế hiện đại chúng ta mới có được nguồn nhân lực tốt, ngang tầm nhiệm vụ.  

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, xuất bản truyền thông.  Trên cơ sở đó, mỗi đơn vị đào tạo sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để thực hiện công tác đào tạo cho phù hợp; đồng thời, thực hiện cơ chế phối hợp với các cơ quan quản lý trong thực hiện công tác đào tạo, giảng dạy để tăng cường tính thực tiễn cho đội ngũ sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản…

Bên cạnh đó, công tác quản lý, đào tạo phải đảm bảo; nhà trường phải gắn liền với thực tiễn, thực tiễn gắn liền với đào tạo để tạo ra đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời đến công chúng; Chương trình đào tạo phải đảm bảo về các nội dung thông tin, gắn với học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tận dụng cơ chế, chính sách để đầu tư cơ sở, vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy và thực hành…/.

 

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực