Đổi mới nhận thức về công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai, 07/10/2024 22:21
Công tác tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy sức sáng tạo của toàn thể Nhân dân và động viên, cổ vũ Nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.

Tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến mới và phức tạp, theo đó, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, đất nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách mới hết sức phức tạp trên tất cả các phương diện, trong đó có lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Do vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động trong điều kiện mới, chúng ta cần nhận thức lại và phải đổi mới nhận thức về công tác này trong hoạt động tư tưởng của Đảng.

 Thứ nhất, cần chủ động khai thác, nắm bắt và sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả để tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động.

Khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay phát triển một cách nhanh chóng với những cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ, đem đến nhiều thành tựu lớn ngoài sức tưởng tượng của con người. Ở Việt Nam, số lượng người sử dụng mạng xã hội đã chiếm phần lớn dân số; đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên nhất là lứa tuổi 15 đến 40. Đa số người sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin, giải trí, kết nối - chia sẻ với bạn bè, quảng cáo - bán hàng... Với công dụng và tiện ích như tốc độ truyền tin nhanh, diện bao phủ rộng, linh hoạt, tính tương tác cao... nên chúng ta có điều kiện khai thác, nắm bắt, sử dụng và phát huy vai trò của mạng xã hội để tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động và coi đây là một xu thế tất yếu khách quan trong xã hội hiện đại. Để sử dụng mạng xã hội với tư cách là một phương tiện của công tác tuyên truyền, cổ động, cần có nhận thức đúng về những ưu thế và hạn chế của phương tiện này.

 Thứ hai, tiếp tục phát huy triệt để ưu thế của các phương thức tuyên truyền, cổ động truyền thống.

Phương thức tuyên truyền, cổ động truyền thống gồm có: tuyên truyền, cổ động miệng; tuyên truyền, cổ động bằng các hình thức trực quan; tuyên truyền, cổ động bằng việc sử dụng các loại hình văn hóa, văn nghệ.

Tuyên truyền, cổ động miệng là phương thức tuyên truyền, cổ động được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc kể từ khi dựng nước, trong đấu tranh chống phong kiến, đế quốc cũng như trong lao động sản xuất, xây dựng đất nước.

Từ khi ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng sử dụng tuyên truyền miệng, coi đây là kênh thông tin cơ bản nhất, quan trọng nhất trong tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; động viên, cổ vũ nhân dân tự giác, tích cực hiện thực hóa nghị quyết, chính sách, pháp luật... Hiện nay, tuyên truyền miệng vẫn được Đảng tổ chức chặt chẽ, duy trì hoạt động và sử dụng có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở thông qua hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên và đội ngũ cán bộ đảng viên.

Tuyên truyền, cổ động bằng các hình thức trực quan cũng xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thời kỳ đầu của cách mạng, Đảng ta đã chú trọng khai thác ưu thế và sử dụng các hình thức này như một phương tiện để tuyên truyền, cổ động, tập hợp lực lượng cách mạng và đấu tranh chống phong kiến, đế quốc. Hiện nay, các hình thức trực quan được duy trì, củng cố và sử dụng phục vụ rất hiệu quả cho các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm và các sự kiện chính trị diễn ra trên cả nước hoặc ở từng địa phương, cơ sở. Các hình thức trực quan chủ yếu được sử dụng gồm có: Quốc kỳ, Đảng kỳ, các loại cờ trang trí; khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh cổ động; các cụm cổ động ngoài trời; triển lãm, hội chợ, tờ rơi, bướm tin; các di tích lịch sử - văn hóa, nhà bia tượng niệm; bảo tồn, bảo tàng, tham quan điển hình tiên tiến… Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hình thức trực quan còn được bổ sung thêm những hình thức mới phong phú và hiện đại hơn như băng/đĩa hình, video, bảng thông tin điện tử…

Tuyên truyền, cổ động bằng các loại hình văn hóa, văn nghệ là những hoạt động văn hóa, văn nghệ được tiến hành trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, chủ động, tự nguyện của quần chúng nhân dân; do quần chúng nhân dân sáng tạo, trao truyền, phổ biến, hưởng thụ; được tổ chức tại các địa phương, phù hợp với trình độ dân trí, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ được coi là phương thức đặc thù trong công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ trực tiếp cho các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Thông qua đó, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhân dân nhanh hơn, dễ hiểu dễ nhớ hơn, sâu sắc hơn các phương tiện tuyên truyền, cổ động khác. Bởi lẽ, nhiều nội dung thông tin tuyên truyền, cổ động được chuyển thể để xây dựng thành những tiểu phẩm, hoạt cảnh ngắn và câu chuyện thông tin… phản ánh trực tiếp đời sống của nhân dân ở từng địa phương, cơ sở. Những nội dung tuyên truyền, cổ động được lý giải hài hòa, hợp lý, trình bày sinh động thông qua các hình tượng nghệ thuật, nên dễ được quần chúng nhân dân chấp thuận, hưởng ứng và hành động theo. Những loại hình văn hóa, văn nghệ quần chúng thường được sử dụng trong công tác tuyên truyền, cổ động hiện nay gồm có: liên hoan, hội thi-hội diễn văn nghệ quần chúng; dạ hội; các loại hình câu lạc bộ theo giới, nghề nghiệp, sở thích, lứa tuổi; thi kể chuyện, thi đọc sách, báo; thi sáng tác văn học nghệ thuật, thi hát dân ca dân vũ và thi đấu thể dục, thể thao…

 Ba là, nhận thức đúng đắn về việc kết hợp chặt chẽ giữa các phương tiện tuyên truyền, cổ động truyền thống với các phương tiện tuyên truyền, cổ động hiện đại.

Các phương tiện truyền thống có những ưu thế và hạn chế cơ bản như: Nội dung thông tin chính xác, đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nội dung và phương thức tuyên truyền, cổ động tương đối phù hợp với đối tượng (kể cả cá nhân và nhóm đối tượng); tính tương tác cao và tạo điều kiện cho người tiếp nhận thông tin dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo; ít tốn kém về kinh phí... Tuy nhiên khi sử dụng các phương tiện truyền thống cũng xuất hiện một số hạn chế như: Thông tin đến với đối tượng thường chậm, không kịp thời; phạm vi tác động của thông tin hẹp; đối tượng tiếp nhận thông tin hạn chế và thường bị chi phối bởi khả năng, nhận thức chính trị và khả năng, mức độ cảm nhận giá trị văn hóa, nghệ thuật; hiệu quả tuyên truyền thường phụ thuộc vào trạng thái và chất lượng hoạt động của tổ chức giữ vai trò là chủ thể.

 Các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, thường bao gồm một số phương tiện như phát thanh; truyền hình, báo in; báo mạng điện tử; trang thông tin điện tử; mạng xã hội; internet… Các phương tiện này có những ưu thế cơ bản như: đưa thông tin xa nhất, nhanh nhất với thời gian ngắn nhất và gần như đồng thời những sự kiện, sự việc diễn ra; phạm vi tác động rộng rãi đến tất cả các vùng, miền và mọi đối tượng khác nhau trong xã hội; tích hợp được nhiều công năng của các thể loại truyền thông khác và là trang thông tin mở; nguồn tin phong phú, đa dạng, đa chiều và tích hợp được nhiều công cụ vui chơi, giải trí; là diễn đàn quan trọng cho mọi đối tượng bày tỏ quan điểm, tư tưởng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng và cũng là phương tiện tuyên truyền, cổ động giáo dục, tổ chức quần chúng; dễ dàng tạo lập, phản ánh và định hướng dư luận xã hội, giám sát và phản biện xã hội...

 Tuy nhiên, các phương tiện hiện đại cũng có những hạn chế đòi hỏi cán bộ tuyên truyền, cổ động cần nắm vững để hạn chế tới mức thấp nhất sự tác động tiêu cực, đó là: chi phí cho việc sử dụng các phương tiện này rất tốn kém về kinh phí và phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế và của khoa học công nghệ; khả năng tiếp cận thông tin trên các phương tiện hiện đại của người sử dụng phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh địa lý của vùng, miền; nội dung thông tin khó kiểm soát, khó kiểm chứng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi ta đang chấp nhận việc liên kết sản xuất nội dung chương trình cho các phương tiện truyền thông hiện đại; khả năng lộ thông tin bí mật cao và dễ tán phát thông tin nhạy cảm; thông tin cá nhân của người dùng dễ dàng bị đánh cắp; là môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch lợi dụng đưa thông tin xấu, độc hại, quan điểm sai trái nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc...

Như vậy có thể khẳng định, khoa học - công nghệ dù phát triển đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn được các phương tiện tuyên truyền, cổ động truyền thống. Vì thế, khi kết hợp giữa các phương tiện hiện đại với các phương tiên truyền thống thì những ưu điểm của các phương tiện truyền thống sẽ khắc phục tương đối tốt những hạn chế của các phương tiện hiện đại và ngược lại. Đây cũng là nhận thức mới để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.

Bốn là, nhận thức mới về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng cán bộ hoạt động trong các cơ quan làm công tác tuyên truyền, cổ động.

Chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng bắt đầu từ nhân tố con người. Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư tưởng của Đảng nói chung và đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cổ động nói riêng được lựa chọn kỹ và tạo nguồn từ những cán bộ trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có năng lực quản lý, có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng vận động quần chúng; có lối sống lành mạnh, trong sạch và phẩm hạnh tốt… Tuy nhiên, vẫn còn thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ nên có xu hướng hình thành “tự nhiên, tự phát” theo yêu cầu biên chế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, ít chú trọng đến việc tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Từ đó dẫn tới cán bộ tuyên truyền, cổ động thiếu đồng bộ cả về cơ cấu nghề nghiệp, độ tuổi và ít có chuyên gia giỏi.

Năm là, về nội dung, phương thức tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động.

Đổi mới nội dung: Nội dung thông tin trong công tác tuyên truyền, cổ động phải mang hàm lượng trí tuệ và tính khoa học cao hơn; cụ thể, thiết thực hơn, sát thực tế và kịp thời hơn, phù hợp hơn với các nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin. Đối với các sự kiện lớn trong nước và quốc tế cần có nhiều thông tin, đưa thông tin kịp thời, có phân tích sâu sắc, đánh giá đúng và chỉ rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước để định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực.

Đổi mới phương thức: Nên kết hợp giữa nhiều phương pháp, hình thức và phương tiện với nhau trong quá trình truyền tải thông tin. Cần tạo ra nhiều diễn đàn, hình thành văn hóa đối thoại; xây dựng môi trường công khai, minh bạch thông tin tạo điều kiện cho đối tượng được tham gia thảo luận những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Khi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành, công tác tuyên truyền, cổ động cần giải thích, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đó. Đồng thời, cần chỉ ra lộ trình và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện để động viên, cổ vũ mọi người hành động hiện thực hóa nó trong đời sống xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động.

Sáu là, tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn hiện nay.

Công tác tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, cổ động nói riêng là công tác của Đảng, do vậy, công tác tuyên truyền, cổ động phải đặt dưới sự lãnh đaọ và chịu sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo này càng triệt để, tuyệt đối bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu và dứt khoát không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Các cơ quan tham mưu cho Đảng về lĩnh vực này tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn giúp cho cơ quan Đảng ban hành thêm những chỉ thị, nghị quyết, thông báo, kết luận… để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, những hoạt động này không được vượt ra ngoài giới hạn, quy định trong Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương cần cần không ngừng đổi mới nhận thức việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và quản lý công tác tuyên truyền, cổ động để giúp nhân dân tiếp cận thông tin thuận lợi, có nhận thức đúng đắn và có trách nhiệm thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân đối với đất nước./.

VH(Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực