Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ ba, 01/10/2024 15:12
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
Sinh thời, Bác Hồ đã có nhiều bài nói, bài viết, thư tín liên quan đến dân. Có lẽ một trong những kiệt tác, làm kim chỉ nam có công tác vận động quần chúng, nhân dân là tác phẩm "Dân vận". Tháng 10 năm nay là tròn 75 năm Bác Hồ viết và cho xuất bản kiệt tác “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2024). Dù đã 75 năm trôi qua, tình hình thời cuộc có nhiều biến đổi nhưng bài báo “Dân vận” vẫn còn nguyên giá trị, có tác dụng lớn trong thực tiễn hiện nay.

Ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, khẳng định: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Tác phẩm không chỉ thể hiện xuyên suốt tư tưởng Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà còn được coi là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta. Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận", Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và Ngày "Dân vận" của cả nước để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những chỉ dẫn của Người về công tác dân vận.

Năm 2024 là tròn 75 năm Bác Hồ viết và cho xuất bản kiệt tác “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2024). Dù đã 75 năm, tình hình thời cuộc đã có nhiều biến đổi nhưng bài báo “Dân vận” vẫn còn nguyên giá trị, có tác dụng lớn trong thực tiễn hiện nay. Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặt công tác dân vận ở tầm chiến lược, đồng thời coi trọng các hình thức triển khai công tác dân vận thiết thực, cụ thể để tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết của toàn dân tộc. Nghiên cứu về các hình thức dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa rất thiết thực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ảnh tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết, “trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân”, dân là quý nhất, quan trọng nhất vì dân là gốc của nước, sức mạnh của quần chúng nhân dân sẽ được tăng lên gấp nhiều lần khi được tập hợp và cùng hướng tới một mục tiêu nhất định. Muốn vậy, Đảng cần phải làm thật tốt công tác dân vận, vì “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Trong 75 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quan hệ đối ngoại. Đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận, góp phần phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội. Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc phát huy dân chủ của nhân dân đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo", nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, môi trường văn hoá lành mạnh... có tác dụng tích cực vào phát triển bền vững đất nước; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Từ những thành tựu cũng như những hạn chế, yếu kém những năm qua, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học về công tác dân vận: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, các hình thức dân vận của Đảng ta càng được khẳng định đầy đủ hơn cả về lý luận và thực tiễn. Từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đều bổ sung, cụ thể hóa tư tưởng của Người thành quan điểm, đường lối về công tác dân vận, trong đó có các hình thức dân vận. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã chỉ rõ cần thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận…”. Đồng thời, cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận phù hợp với nhiệm vụ cách mạng hiện nay nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân. Dân vận trong điều kiện hiện nay chính là bằng chế độ, chính sách phục vụ tốt cho dân, "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh" đồng thời là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Công tác dân vận phải thông qua các hình thức cụ thể và thiết thực để vận động, thuyết phục, tổ chức Nhân dân, làm sao cho họ hiểu, đi theo cách mạng, tích cực và sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ cách mạng.

Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Dự báo tình hình thế giới, trong nước trong năm 2024 và thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, khó lường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Để tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được, công tác dân vận của hệ thống chính trị cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Ban Dân vận các cấp tiếp tục đẩy mạnh học tập, quán triệt, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân vận trong tình hình mới; nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và đại hội các cấp đề ra; ban hành và thực hiện hoàn thành các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác dân vận.


PN (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực