Hà Giang: Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ chốt

Thứ năm, 03/08/2023 20:51
(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải nêu gương trong thực hiện các yêu cầu chung đối với cán bộ, đảng viên; đi đầu về tác phong, lề lối làm việc; là trung tâm đoàn kết, tấm gương về tinh thần cống hiến và tư duy đổi mới để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Giang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Phương Thùy/BHG)

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Trung ương, cấp ủy tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Qua đó, hệ thống chính trị các cấp ngày càng được củng cố vững mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn một số hạn chế, yếu kém như: ý thức kỷ luật và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của một số cán bộ, đảng viên chưa cao; việc chấp hành pháp luật, quy định những điều đảng viên không được làm và việc thực hiện trách nhiệm nêu gương chưa nghiêm nên vẫn xảy ra tình trạng vi phạm, bị xử lý kỷ luật; còn có biểu biện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Để chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; những điều đảng viên không được làm; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt việc nâng cao chất lượng đảng viên. Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chi bộ chuyên đề nội dung về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, văn hóa công sở, nâng cao tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vào quy chế làm việc; cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục không cần thiết; phân định rõ thẩm quyền của tập thể, cá nhân, người đứng đầu theo quy định. Chủ động xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác theo chức năng, nhiệm vụ bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả; kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp trên xem xét, giải quyết, tuyệt đối không để công việc bị chậm trễ, tồn đọng kéo dài.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, công tâm khách quan, toàn diện; đánh giá cán bộ phải cụ thể theo tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm cụ thể và sát với thực tiễn, thực hiện thường xuyên, linh hoạt theo tháng, quý, năm. Biểu dương, khen thưởng, khuyến khích cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, có trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, đảng viên có dư luận không tốt, năng lực yếu, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu. Quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường.

Đối với cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương; các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; nội quy, quy chế của địa phương, cơ quan, đơn vị và nơi cư trú. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tăng cường giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; không đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập, tự soi, tự sửa để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", không tham nhũng, tiêu cực.

Thường xuyên đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; khắc phục triệt để tư duy hành chính; sâu sát cơ sở, thực hiện tốt phương châm "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân"; sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao với phương châm 4 dám (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); không đùn đẩy, né tránh công việc thuộc chức trách nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải nêu gương trong thực hiện các yêu cầu chung đối với cán bộ, đảng viên; đi đầu về tác phong, lề lối làm việc; là trung tâm đoàn kết, tấm gương về tinh thần cống hiến và tư duy đổi mới để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền lên cấp trên hoặc sang cơ quan đơn vị khác. Phân công, bố trí công việc cho cấp dưới hợp lý, khoa học; giao việc phải gắn với lộ trình, trách nhiệm và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, phải chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết công việc trì trệ, để cán bộ, đảng viên cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là việc công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động cán bộ, trong sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước./.

Ngọc Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực