|
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Hải Dương dự buổi Lễ và cắt băng khánh thành (Ảnh: Duy Tuấn) |
Chiều 9/7, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia Căng Bắc Mê (giai đoạn 1). Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự buổi Lễ và cắt băng khánh thành.
Cùng dự có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Bùi Thị Hòa, Chủ tịch T.Ư Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Minh Nhất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; đại diện các ban, ngành của tỉnh; thân nhân các chiến sỹ cách mạng bị giam giữ tại Căng Bắc Mê và đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn...
|
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Bùi Thị Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng các đại biểu cắt băng Khánh thành công trình (Ảnh: Duy Tuấn) |
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê mở đầu cho các sự kiện của tỉnh Hà Giang tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối cách mạng, anh hùng, liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh bản thân mình cho dân tộc, cho đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở VH,TT&DL, UBND huyện Bắc Mê và các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền tại khu di tích; tổ chức tốt các hoạt động phục vụ cho công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân; các hoạt động phục vụ khách nghiên cứu, thăm quan, du lịch; đưa khu di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Căng Bắc Mê trở thành một điểm du lịch lịch sử - văn hóa tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
|
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh tặng quà các CCB, thương binh, bệnh binh huyện Bắc Mê (Ảnh: Duy Tuấn) |
Được biết, Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê được khởi công từ tháng 2/2021 bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 20 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm triển khai, các hạng mục của dự án công trình được hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; đảm bảo tiến độ và được nghiệm thu theo đúng quy định, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng.
Nhân dịp này, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tặng 20 suất quà tới các thương bệnh binh tiêu biểu trên địa bàn huyện Bắc Mê, nhằm tri ân công lao đóng góp của các thương bệnh binh trong đấu tranh giữ gìn nền độc lập, tự do của dân tộc.
Căng Bắc Mê nằm trên sườn núi Rồng, bên dòng sông Gâm thuộc xã Yên Cường (huyện Bắc Mê), là bằng chứng ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, nơi giam cầm nhiều chiến sỹ cách mạng; là một trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộng sản trong nhà tù đế quốc.
Trước năm 1939, Căng Bắc Mê chỉ là đồn binh nhỏ của thực dân Pháp, có khoảng 01 đại đội lính khố xanh và một số cai đội người địa phương đặt dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan Pháp. Do địa thế hiểm trở, heo hút, rừng thiêng nước độc, nên thực dân Pháp đã lợi dụng nơi này để lập trại giam các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng bị bắt nhưng chưa bị kết án nhằm uy hiếp và đàn áp phong trào cách mạng. Đồn binh cũ được mở rộng, xây dựng thêm nhà cửa, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân. Ngày 20/11/1940, Thống sứ Bắc Kỳ ban hành quyết định cải tạo trại lính khố xanh Bắc Mê (Đạo quan binh số 3) thành trại giam giữ các phần tử nguy hiểm cho việc phòng vệ quốc gia và an ninh. Thực dân Pháp xây dựng Căng Bắc Mê còn nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng.
Từ năm 1938 đến năm 1942, thực dân Pháp đã hai lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây, với số lượng 300 người, các tù nhân chính trị được đưa đến từ các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo, với nhiều thành phần khác nhau: đoàn viên, nông dân, trí thức... Trong đó, có nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương như: Xuân Thủy, Trần Cung (tức Nguyễn Ngọc Cư), Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), Trần Hiệu (tức Vũ Văn Địch), Hoàng Bắc Dũng, Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản, Hà Kế Tấn, Lương Nhân, Trần Các…
Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, ngày 21/1/1992, Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ VH,TT&DL cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia; trở thành “địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân.
|