Hà Giang: Những “thủ lĩnh nhí” tiên phong thay đổi định kiến giới

Tác phẩm "Điều con muốn nói" của Hà Giang được trao giải Đặc biêt tại vòng chung kết Cuộc thi "Lắng nghe con nói"
Chủ nhật, 12/11/2023 09:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - “Điều em muốn nói là giá như bố hiểu, mẹ cũng muốn được san sẻ việc nhà, muốn được yêu thương và tôn trọng. Mấy chị em em cũng muốn được yêu thương như cách bố mẹ yêu thương em trai và muốn được đến trường. Điều em mong muốn nhất là bố mẹ hãy yêu thương chúng em bởi chúng em cũng là con của bố mẹ, chứ đừng vì con gái nên chẳng được yêu thương”…

Tỉnh Hà Giang có 3 tác phẩm tham dự chung kết Cuộc thi “Lắng nghe con nói”

 Đại diện các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai, trường THCS thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) và thôn Cóc Mưi Hạ, xã Pố Lồ (huyện Hoàng Su Phì) nhận giải tại vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi “Lắng nghe con nói” chiều 11/11.

Xuất phát từ những ước mơ rất đỗi giản dị về một gia đình hạnh phúc, bình đẳng, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đến từ tỉnh Hà Giang đã hóa thân thành những nhân vật trong các tiểu phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tên gọi “Lắng nghe con nói”, để qua đó truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa qua những điều muốn nói.

Trong vai một bạn học sinh nữ ở xã vùng cao khó khăn của tỉnh Hà Giang, trực tiếp chịu sự bất bình đẳng giới trong chính gia đình mình, em Già Thị Dia (dân tộc Mông, thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc) chia sẻ câu chuyện đầy xúc động: “Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Em học hết lớp 9 thì bị bố mẹ bắt ở nhà làm việc vì bố mẹ nghĩ rằng con gái thì không nên học cao, sớm muộn thì cũng đi lấy chồng. Hai em gái em cũng bị như thế, chỉ em trai mới được đi học…”.

Điều em muốn nói là “mỗi buổi sáng mẹ phải dậy từ sớm, tất bật chuẩn bị cơm nước cho gia đình rồi mới đi làm, chị em tôi thì mỗi người một việc, làm xong thì lên nương phụ bố mẹ. Trong khi đó, bố tôi thì ngủ đến khi mẹ nấu cơm xong rồi mới dậy”. Điều em muốn nói là “khi nhà có khách, phụ nữ không được phép ngồi cùng mâm; không được tham gia vào câu chuyện của những người đàn ông”. Và “cuộc sống hàng ngày cứ thế trôi qua, mọi công việc gia đình đều đổ dồn lên vai mẹ và mấy chị em tôi. Bố dường như mặc định rằng đó là điều hiển nhiên, là nhiệm vụ mà những người phụ nữ phải làm”.

Điều em muốn nói là “giá như bố hiểu, mẹ cũng muốn được san sẻ việc nhà, muốn được yêu thương và tôn trọng. Mấy chị em tôi cũng muốn được yêu thương như cách bố mẹ yêu thương em trai, và điều mấy chị em tôi mong muốn là được đến trường”. Điều em mong muốn nhất là “bố mẹ hãy yêu thương chúng tôi bởi chúng tôi cũng là con của bố mẹ, chứ đừng vì con gái nên chẳng được yêu thương”.

Một tiết sinh hoạt của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trường THCS thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Đó chỉ là một phần trong những câu chuyện có thật về sự bất bình đẳng giới trong cuộc sống của một số gia đình dân tộc thiểu số ở tỉnh miền núi Hà Giang, đã được các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai, trường THCS thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) và thôn Cóc Mưi Hạ, xã Pố Lồ (huyện Hoàng Su Phì), tái hiện qua các tiểu phẩm “Điều con muốn nói”, “Ước mơ của Lan”, “Tảo hôn được gì”. Đây cũng là những sản phẩm vinh dự góp mặt và được trao giải tại vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi “Lắng nghe con nói”, trong đó tác phẩm "Điều con muốn nói" của nhóm tác giả trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc đã xuất sắc giành giải Đặc biệt ở hạng mục Sáng tác video, clip; 2 tác phẩm còn lại cũng đều được nhận giải Khuyến khích của Cuộc thi.

Cuộc thi “Lắng nghe con nói” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần đầu tiên phát động không chỉ nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn góp phần hỗ trợ cho các hoạt động truyền thông của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” - một trong 4 mô hình cốt lõi thực hiện nội dung Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đây là mô hình dành riêng cho trẻ em trong trường học và cộng đồng với mục đích tạo nơi sinh hoạt, trao đổi, trang bị kiến thức, kỹ năng sống để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại, các kiến thức về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Đến với Cuộc thi lần này, mỗi thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của tỉnh Hà Giang đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu vốn đã từ lâu ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ đồng bào vùng DTTS và miền núi vùng cao nguyên đá; góp phần cùng với cha mẹ, thầy cô và chính quyền địa phương giảm thiểu những khó khăn, rủi ro liên quan đến vấn đề bất bình đẳng giới đang tác động đến chính các em trong cuộc sống hàng ngày.

Tác phẩm "Điều con muốn nói" của các thành viên CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc đã xuất sắc giành giải Đặc biệt tại vòng chung kết Cuộc thi "Lắng nghe con nói". 

Chia sẻ tại Cuộc thi, em Vừ Mí Súng, thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường THCS xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc) cho biết: Nhờ tham gia CLB, em đã tự tin, mạnh dạn hơn trước nhiều, biết đoàn kết, chia sẻ với các bạn trong trường nhiều kiến thức về bình đẳng giới và bạo lực học đường, ngoài ra còn giúp đỡ được nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn.

CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trường PTDT bán trú THCS xã Khâu Vai được thành lập vào ngày 01/3/2023 với 25 thành viên là học sinh từ khối 6 đến khối 9, trong đó có 13 nữ, 12 nam. Đây là những học sinh lễ phép, năng động, có khả năng tham gia các hoạt động tập thể trong nhà trường và ngoài cộng đồng.

Giáo viên Tổng phụ trách Hà Văn Thoan, dẫn trình viên của CLB cho biết, tham gia vào CLB, các em học sinh được trang bị kiến thức về quyền trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng tránh bạo lực học đường, các kỹ năng thảo luận nhóm, vẽ tranh, đóng kịch... Câu lạc bộ trở thành diễn đàn để các em bộc lộ quan điểm, suy nghĩ về tình trạng bất bình đẳng giới, những hủ tục vẫn còn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử liên quan đến những vấn đề bất bình đẳng giới và một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở ngay chính nơi các em đang sống.

“Sự thay đổi lớn nhất là các em trở nên mạnh dạn, tự tin hơn nhiều so với trước đây. Hiện một số thành viên trong CLB đã trở thành những hạt nhân tuyên truyền trong nhà trường và ngoài cộng đồng để phổ biến thông tin, kêu gọi sự tham gia của các bạn khác, của cha mẹ và cộng đồng vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em” - thầy Tổng phụ trách Hà Văn Thoan nhấn mạnh thêm.

Một tiết sinh hoạt của thầy và trò CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" thôn Cóc Mưi Hạ, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì.  

Theo bà Trần Thị Yến Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hà Giang, dù thời gian hoạt động chưa nhiều nhưng các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” do các cấp Hội Phụ nữ phối hợp một số đơn vị trường học thành lập trong thời gian qua đã góp phần hiệu quả trong thực hiện công tác bình đẳng giới, giúp các em học sinh, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích, từ đó giúp các em thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm, dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng cao.

Việc tổ chức sinh hoạt CLB dưới các các hình thức đội nhóm, chơi trò chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với lứa tuổi hay các tiểu phẩm lấy chất liệu từ chính cuộc sống của các em là cách tuyên truyền hiệu quả những nội dung về bình đẳng giới hay những vấn đề cấp thiết về bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quyền trẻ em, tảo hôn... Đến nay, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã xây dựng video clip hướng dẫn thành lập và vận hành CLB "Thủ lĩnh cùa sự thay đổi" tại các trường học; tổ chức 67 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trên toàn tỉnh và ra mắt 131 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi" với 2.409 thành viên tham gia.

Kỳ vọng những CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” sẽ làm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người DTTS ngay từ trên ghế nhà trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hà Giang cho biết, mục tiêu tối thiểu của Hội LHPN tỉnh là sẽ thành lập được 138 CLB trong giai đoạn 2021-2025, do đó trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học và cộng đồng, tạo điều kiện cho các em học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng về giới và bình đẳng giới cùng với một số kỹ năng khác trong cuộc sống, giúp các em có thêm hành trang trên con đường học tập và tự tin bước vào đời với nhiều mơ ước./. 

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực