|
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Hội nghị lần thứ 11 BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII diễn ra ngày 30/11 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; thảo luận cho ý kiến về Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; xem xét ban hành Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023, Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh 2 năm (2023 - 2024) và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh năm 2023 là năm tăng tốc triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình, nhiệm vụ đề ra, đồng chí đề nghị BCH Đảng bộ tỉnh thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện, làm sâu sắc thêm kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân, xem xét các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp gắn với nguồn lực, cách làm phù hợp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đặc biệt các giải pháp thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành để lãnh đạo chỉ đạo trong năm 2023, đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
|
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Duy Tuấn) |
29/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang tiếp tục phát triển ổn định, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật với 29/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chiếm 80,1%. Kinh tế của tỉnh có bước phục hồi nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 tăng 7,8% so với năm 2021. Đặc biệt, du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đạt 2,2 triệu lượt người, tăng 142,3% so với năm 2021, vượt cao so với kế hoạch đề ra.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 được triển khai quyết liệt. Chương trình mục tiêu quốc gia được các cấp, các ngành triển khai khẩn trương, đồng bộ; các chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được triển khai kịp thời; các đột phá của tỉnh được tổ chức thực hiện hiệu quả như: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; các tuyến đường quốc lộ 4C, đường Bắc Quang – Xín Mần (ĐT.177)…; các tuyến đường tỉnh, đường huyện tiếp tục được quan tâm cải tạo, nâng cấp.
Sản xuất nông nghiệp năm 2022 tiếp tục được mùa, diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng chính đều tăng so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 419.972 tấn, tăng 0,54% so với năm trước. Các chương trình của tỉnh như: Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; chương trình xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân… được cả hệ thống chính trị vào cuộc, thành phong trào đi vào đời sống thực tiễn của nhân dân, minh chứng hiệu quả trong cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục có bước phát triển, an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được đảm bảo. Trong năm, tỉnh đã thành lập thêm 4 trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thành mục tiêu thành lập 11 trường phổ thông dân tộc nội trú tại các địa phương.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong năm 2022 được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Năm 2022, BCH, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất ban hành 5 nghị quyết, 12 chương trình, 11 đề án nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và “3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở các báo cáo, tờ trình, Hội nghị đã thảo luận, phân tích những kết quả nổi bật đạt được và những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến một số chỉ tiêu đạt thấp; thu ngân sách nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa đạt kết quả cao; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là các dự án trọng điểm; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cấp ủy chưa thực sự quyết liệt…
Nhiều ý kiến cũng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, BTV Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, như: chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển đảng viên mới, nâng cao chất lượng giáo dục…
|
Biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 11. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Bí thư Tỉnh ủy phân tích làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.
Trong thời gian tới và năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, nhất là 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với 3 đột phá của tỉnh. Đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi cây ngô sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp, nhân rộng các mô hình tốt. Triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với giữ gìn cảnh quan, bản sắc, môi trường. Tập trung trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những lợi thế, tiềm năng để ưu tiên triển khai thực hiện. Trong xây dựng NTM, người đứng đầu từ thôn, xã đến huyện cần thực sự tâm huyết, trách nhiệm, thực hiện xuyên suốt quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong thay đổi phương thức đầu tư làm đường giao thông nông thôn, đường tỉnh bền vững, lâu dài, huy động nội lực nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị có giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng thu ngân sách. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng thương mại, nhất là hạ tầng dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu khách du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Hà Giang xanh, sạch, bản sắc. Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo QP-AN, trật tự, ATXH…
Trong công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, lãnh đạo. Tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, của tỉnh. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quan tâm nâng cao chất lượng đảng viên, sinh hoạt chi bộ. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, chấn chỉnh, răn đe cán bộ, đảng viên, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa...
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, với điều kiện đặc thù của tỉnh, các cấp, các ngành cần xác định nhiệm vụ đảm bảo QP- AN là trọng tâm trọng điểm; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng vũ trang; nắm chắc tình hình để giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, nảy sinh ở cơ sở, không để bị động, bất ngờ…
Hội nghị cũng đã xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 11 quyết định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, đảm bảo QP-AN năm 2023; Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ QP- AN hai năm 2023-2024./.