Hà Giang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng

Chủ nhật, 10/07/2022 16:29
(ĐCSVN) - Trong 2 ngày 9 và 10/7, tỉnh Hà Giang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng, với sự tham gia của các đồng chí nguyên Lãnh đạo, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thỉnh chuông bắt đầu các nghi thức truy điệu các anh hùng liệt sĩ (Ảnh: Kim Tiến) 

* Sáng 10/7, Lễ truy điệu, an táng 10 hài cốt liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc đã được Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang long trọng long trọng tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. 

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 -  27/7/2022) được tỉnh Hà Giang tổ chức nhằm tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân; nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư Hà Thị Khiết; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Các Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu; Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Dự buổi lễ còn có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.

Về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang; Hoàng Minh Nhất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh cùng đông đảo cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ; du khách thập phương và nhân dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên.

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tiến hành trọng thể Lễ an táng 10 hài cốt liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. 

 
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh bạn đưa hài cốt liệt sĩ về Đài tổ quốc ghi công thực hiện các nghi thức truy điệu, an táng (Ảnh: Kim Tiến)

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, bằng sự thành kính và tri ân sâu sắc, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự buổi lễ nguyện chung sức, đồng lòng, tiếp tục truyền thống vinh quang của các anh; nguyện trung thành với lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu; đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Hơn 40 năm trước, Hà Giang - nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, trên 9.000 người bị thương, hiện vẫn còn gần 2.000 hài cốt của cán bộ, chiến sỹ còn nằm rải rác trong khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập; hàng ngàn hécta đồi núi vẫn còn bom mìn sót lại. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị xuyên (tỉnh Hà Giang) hiện là nơi yên nghỉ của 1.853 liệt sỹ; có 1 mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và 316 phần mộ liệt sỹ chưa rõ thông tin.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Mặc dù là tỉnh vùng cao, biên giới, còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang bằng tình cảm và trách nhiệm đã thường xuyên làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với rất nhiều hoạt động phong phú, nhiều việc làm nhân ái, như: Lập quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố, mẹ liệt sỹ cô đơn; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn.

Đặc biệt, được sự quan tâm, ủng hộ trực tiếp của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tỉnh đã và đang triển khai thành công Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; đã huy động tài trợ trên 349 tỷ đồng, đóng góp trên 300 nghìn ngày công lao động, hỗ trợ xây dựng 5.815 căn nhà cho các gia đình sau hơn 2 năm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh chương trình rà phá bom mìn, vật nổ nơi các chiến trường ác liệt năm xưa để tìm kiếm, quy tập các anh hùng liệt sỹ, đáp ứng mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sỹ.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tặng quà, động viên các gia đình chính sách huyện Vị Xuyên được hỗ trợ trâu phát triển kinh tế của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (Ảnh: Kim Tiến) 

*Cùng ngày, tại huyện Vị Xuyên, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức chương trình tặng quà tri ân các thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Tại chương trình, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã trao 300 suất quà tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong, người có công có hoàn cảnh khó khăn và nạn nhân bom mìn; trao lợn giống, bò sinh sản cho 310 cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn; trao 170 suất quà tặng gia đình cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trao hơn 800 hộp sữa cho trẻ em; 2.000 hoa đăng dâng lên mộ liệt sỹ. Tổng giá trị các hoạt động trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng 20 con trâu trị giá 300 triệu đồng cho các gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Các tổ chức thiện nguyện, cá nhân có lòng hảo tâm tiếp tục trao tặng huyện Quang Bình, Bắc Mê, Vị Xuyên 220 triệu đồng và 300 con lợn giống. Ghi nhận những đóng góp của tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 6 cá nhân đã đồng hành, hỗ trợ chương trình an sinh xã hội của tỉnh.

Nghi thức dâng đăng, dâng hương trước tượng đài các AHLS trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Ảnh: Duy Tuấn) 

*Trước đó, chiều 9/7 diễn ra Lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê, mở đầu cho các sự kiện của tỉnh Hà Giang tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh bản thân mình cho dân tộc, cho đất nước.

Căng Bắc Mê nằm trên sườn núi Rồng, bên dòng sông Gâm thuộc xã Yên Cường (huyện Bắc Mê), là bằng chứng ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, nơi giam cầm nhiều chiến sỹ cách mạng; là một trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộng sản trong nhà tù đế quốc. Từ năm 1938 đến năm 1942, thực dân Pháp đã hai lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây, với số lượng 300 người, các tù nhân chính trị được đưa đến từ các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo, với nhiều thành phần khác nhau: đoàn viên, nông dân, trí thức...

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, ngày 21/1/1992, Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ VH,TT&DL cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia; trở thành “địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Bùi Thị Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng các đại biểu cắt băng Khánh thành công trình (Ảnh: Duy Tuấn) 

*Tối cùng ngày (9/7), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân anh linh các Anh hùng liệt sỹ.

Lễ cầu siêu được tổ chức nhằm tri ân, tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022) và kỷ niệm ngày Giỗ trận 12/7/1984. Đây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, biết ơn sự hy sinh của những người anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc.

Tại lễ cầu siêu, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng đăng, rải đậu cát tường tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Chư tôn đức tăng ni đã thực hiện nghi lễ cúng Phật và khai đàn tiến hành trọng thể các nghi thức cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sỹ, cầu quốc thái dân an.../.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực