|
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến/BHG) |
Ngày 7/8, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện các ban Đảng Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng; đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố.
|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến/BHG) |
05/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bằng sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao, Hà Giang đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Sau nửa nhiệm kỳ, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,94%; đến nay, đã có 05/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (chiếm 29,4%); có 08/17 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100% (chiếm 47,1%); 04/17 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80% (chiếm 23,5%); có 01 chỉ tiêu đạt 35%.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm; ban hành 33 nghị quyết, 27 chỉ thị, 44 chương trình, 23 đề án và nhiều kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra. Tỉnh đã tập trung bố trí nguồn lực cho đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với 8.455 tỷ đồng/15.984 tỷ đồng (chiếm 53% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công thực tế giao); trong đó đã khởi công Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang; xây dựng Dự án tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 80km đường giao thông tuyến huyện; 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, 100% số thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm với 1.732 tuyến, tổng chiều dài là 6.196,6km...
Cùng với đó, bố trí 1.721 tỷ đồng cho phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Du lịch Hà Giang đã và đang phát triển theo hướng bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2022, Hà Giang đón xấp xỉ 2,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 4.536 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1,418 triệu lượt khách, ước trong năm 2023 có khoảng 3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 5.000 tỷ đồng (đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra).
Tỉnh đã bố trí nguồn lực để tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân với 1.810 tỷ đồng; huy động nguồn lực xã hội hóa và triển khai hoàn thành hỗ trợ xây dựng 3.113 căn nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới (giai đoạn 2), với kinh phí 186,78 tỷ đồng. Chương trình cải tạo vườn tạp đã có 1.935 vườn cho hiệu quả kinh tế, với thu nhập 18,8 triệu đồng/hộ/năm. Nông nghiệp đã thực sự giữ vai trò làm trụ đỡ cho nền kinh tế trong điều kiện xảy ra đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 4,66%...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; 11/11 huyện, thành phố thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT; thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh và củng cố, nâng cao chất lượng các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 37,08%, hộ cận nghèo còn 12,87% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra). Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, đường biên mốc giới được giữ vững, ổn định. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, thực chất.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên…
|
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến/BHG) |
Quyết tâm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị các cấp, ngành quán triệt quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra; chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt; xác định các giải pháp căn cơ, đột phá và tập trung mọi nguồn lực, biện pháp, cách làm, quyết tâm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, giai đoạn 1, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành liên quan nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò chủ động, tiên phong gương mẫu, quyết liệt triển khai thực hiện.
Nâng cao chất lượng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhất là số lượng và giá trị các sản phẩm OCOP. Tiếp tục quan tâm phát triển du lịch nhằm đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phát huy vai trò hệ thống chính trị trong xây dựng Nông thôn mới; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp…
Các cấp, ngành cần nêu cao trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kiên trì xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đầu tư phát triển nguồn lực y tế; xây dựng hệ thống giáo dục của tỉnh đồng bộ, hiệu quả; chống bệnh thành tích và tiêu cực trong ngành giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng toàn diện. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt, bao trùm, quyết định sự phát triển của tỉnh, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị làm tốt công tác cán bộ; tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng; đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát…
|
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII. (Ảnh: Kim Tiến/BHG) |
Hội nghị cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (giai đoạn 2023 - 2025) với mục tiêu: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ đề, mục tiêu tổng quát, “3 đột phá”, “5 chương trình trọng tâm”, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đã đề ra và các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, đề án đã ban hành. Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao kết quả thực hiện các chỉ tiêu đã đạt và vượt nghị quyết; chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp cụ thể thực hiện chỉ tiêu chưa đạt để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh./.