Khắc phục tình trạng né tránh đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức

Thứ năm, 13/07/2023 11:45
(ĐCSVN) - Trên cơ sở xem xét các nội dung quan trọng được trình tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; chỉ rõ những hạn chế, khó khăn để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; né tránh đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
 Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp. (Ảnh: BHG)

Sáng 13/7, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ  họp thứ 12 - Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2023; đồng thời xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa Kỳ họp.

Dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII. 

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. (Ảnh: BHG) 

Nhiều chỉ tiêu quan trọng duy trì mức tăng trưởng khá

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thông tin: 6 tháng đầu năm 2023, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang được ghi nhận phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 21,1%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 148,5 triệu USD, tăng 6,7 lần so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tăng 4,61%. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh; lượng khách du lịch đạt trên 1,4 triệu lượt người, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% KH. Các hoạt động thương mại, dịch vụ đã có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường hàng hóa được kiểm soát tốt, dịch vụ du lịch linh hoạt. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ số PCI năm 2022 tăng 18 bậc so với năm 2021. Công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực, đồng bộ trên cả 3 phương diện.

Văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục đào tạo chăm lo sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai 3 đột phá, 5 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tiêu biểu là: khởi công Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang ( giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; Đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố Hà Giang; Cải tạo, nâng cấp đường Minh Ngọc - Mậu Duệ (ĐT.176B) tỉnh Hà Giang; Nâng cấp, cải tạo đường Yên Bình - Cốc Pài (ĐT.178); Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.183; Dự án PaPiu - Lũng Hồ 2 tại xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh; khánh thành dự án Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh Hà Giang.

HĐND tỉnh Hà Giang đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các Nghị quyết cụ thể để tổ chức thực hiện; hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND được nâng cao về chất lượng, hoạt động giám sát được tăng cường, tập trung vào các vấn đề dư luận quan tâm; các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được quan tâm giải quyết, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm như: nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp so với cùng kỳ và KH năm đề ra; kinh tế tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1,18%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc;…

 Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ

Theo chương trình đã được thông qua, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của UBND tỉnh; nghe và thảo luận báo cáo của các cơ quan tư pháp.

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; chỉ rõ những hạn chế, khó khăn để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; né tránh đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét thảo luận và thông qua 30 Nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung có ảnh hưởng sâu, rộng, được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm như: Nghị quyết về tăng cường các giải pháp thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết quy định mức chi đối với một số nội dung chi cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang; quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Hà Giang; thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hỗ trợ kinh phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023 - 2025; quy định về lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Hà Giang; thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; thông qua Đề án đầu tư cơ sở vật chất cho công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023-2025…

Kỳ họp sẽ nghe Ủy ban MTTQVN tỉnh thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh; nghe Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, thực hiện công tác cán bộ, gồm: Cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh; miễn nhiệm và bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hà Giang, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đề nghị đại biểu HĐND tỉnh phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng đối với từng nội dung trình Kỳ họp để các quyết sách của HĐND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực