Khai mạc Chương trình du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Thứ bảy, 17/09/2022 13:46
(ĐCSVN) - Chương trình du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022 trở lại sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với nhiều nét đổi mới, nhiều điểm đến hấp dẫn, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống cùng các đặc sản của địa phương, hòa cùng thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vỹ nơi núi rừng cực bắc của Tổ quốc sẽ mang lại những trải nghiệm, ấn tượng tốt đẹp cho đông đảo du khách thập phương.
leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Kim Tiến)

Tối 16/9, UBND huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Chương trình du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc.

Lịch sử phát triển của huyện Hoàng Su Phì gắn bó mật thiết với sự hình thành, cư trú của 12 dân tộc Dao, Tày, Cờ Lao, La Chí... với sức lao động bền bỉ, sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang cổ nhất và cao nhất Việt Nam. Trải qua bao thế hệ, những giá trị văn hóa, bản sắc của các dân tộc luôn được gìn giữ, phát triển, xây dựng nên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo trong đó phải kể đến tập quán xã hội và tín ngưỡng cầu mùa của người Cờ Lao, xã Túng Sán và Lễ cúng Bàn Vương của người Dao, xã Hồ Thầu.

Lễ cầu mùa của người Cờ Lao ở huyện Hoàng Su Phì thường được tổ chức vào đầu năm mới. Trong nghi lễ, thầy cúng tiến hành các nghi lễ cảm tạ, cầu mong thần linh, trời đất, tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cộng đồng người Cờ Lao sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng tổ Bàn Vương là nghi lễ truyền thống đặc sắc được tổ chức hàng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống, nhằm lưu giữ nguồn gốc, lịch sử, văn hóa của dân tộc. Lễ cúng được tổ chức nhằm bày tỏ sự biết ơn với sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 họ người Dao ngày nay, đồng thời là dịp cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Tại buổi Lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình công bố Quyết định của Bộ VH,TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa của người Cờ Lao, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì và Lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL trao Bằng công nhận di sản cho lãnh đạo xã Túng Sán và Hồ Thầu. (Ảnh: Kim Tiến)

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ghi nhận và biểu dương cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã không ngừng nỗ lực, chung sức đồng lòng thực hành, truyền dạy, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa quý giá và độc đáo, để di sản ngày càng có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng như ngày hôm nay; đồng thời khẳng định đây là sự kiện văn hóa du lịch đặc biệt ghi nhận nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Lễ cầu mùa của người Cờ Lao và Lễ cúng Bàn Vương của người Dao vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di săn văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022, nâng tổng số lên 27 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại tỉnh Hà Giang. Đây không chỉ là niềm tự hào của người Cờ Lao, người Dao nói riêng mà còn của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nói chung, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá những di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Giang nhằm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

"Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc giữ gìn và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, qua đây tôi đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Hoàng Su Phì và các huyện, TP quan tâm, xây dựng các chương trình quảng bá, tuyên truyền sâu rộng giá trị di sản văn hóa các dân tộc; khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân địa phương trong việc lan tỏa và thực hành sinh động các nghi lễ truyền thống tại cộng đồng, qua đó phát huy, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa hấp dẫn, tạo thu nhập, nâng cao đời sống bà con nhân dân các dân tộc" - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Chương trình du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì năm 2022 trở lại sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với nhiều nét đổi mới, nhiều điểm đến hấp dẫn như: ruộng bậc thang Bản Phùng, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Bản Luốc , Nậm Ty, dãy Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi, chè Shan tuyết cổ thụ cùng các đặc sản của địa phương và nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, tấm lòng đôn hậu, mến khách của người dân... tất cả hòa cùng thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vỹ nơi núi rừng cực bắc của Tổ quốc. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng Chương trình du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022 với nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch hấp dẫn sẽ mang lại những trải nghiệm, ấn tượng tốt đẹp cho đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

leftcenterrightdel
Tiết mục nghệ thuật tái hiện lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao. (Ảnh: Kim Tiến) 

Thông tin tại buổi Lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Thèn Ngọc Minh cho biết: Huyện Hoàng Su Phì là huyện phía tây của tỉnh Hà Giang, là địa phương vùng cao có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, địa hình chia cắt mạnh, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Từ những điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sự cần cù lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc đã tạo ra các di sản di tích văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, được nhân dân nơi đây gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, bảo tồn và phát huy trong quá trình lao động sản xuất, góp phần làm phong phú thêm những sắc màu của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, do đó đã được Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh Hà Giang quyết định xếp hạng đối với các di tích lịch sử, văn hóa của huyện.

Đặc biệt, năm 2022, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục được Bộ VH,TT&DL quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ cúng Bàn Vương, xã Hồ Thầu và Lễ cầu mùa của người Cờ Lao, xã Túng Sán, nâng tổng số lên 10 di tích, di sản, trong đó có 6 di tích di sản cấp quốc gia và 4 di tích di sản cấp tỉnh. Kết quả đó tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho việc khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Từ năm 2022, huyện Hoàng Su Phì tổ chức Tuần văn hóa du lịch định kỳ hàng năm gắn với mùa lúa chín, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch độc đáo, qua đó giới thiệu những giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng du lịch tới đông đảo du khách.

Tại lễ khai mạc, các đại biểu, nhân dân và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Âm vang của núi” tái hiện sinh động nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì./.

Từ ngày 16/9 đến ngày 19/9 tại huyện Hoàng Su Phì diễn ra Chương trình du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang năm 2022. Đến với Hoàng Su Phì trong những ngày ngày, du khách không chỉ được tham quan, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, đã được công nhân Di tích danh thắng quốc gia mà còn được trải nghiệm, khám phá đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực truyền thống như: tái hiện Lễ cơm mới của dân tộc Cờ Lao, trải nghiệm ngắm cảnh ruộng bậc thang, bắt cá ruộng, nhảy lửa của dân tộc Dao, tái hiện không gian chợ phiên... Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch khác sẽ được địa phương tổ chức từ ngày 2/9 đến hết ngày 10/10 để phục vụ du khách mùa lúa vàng năm 2022.

 

 

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực