Khoa học công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang

Thứ tư, 15/06/2022 17:18
(ĐCSVN) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa XI, hoạt động khoa học công nghệ tỉnh Hà Giang có nhiều chuyển biến tích cực: khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ được nâng lên; tỷ lệ nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực tương đối đồng đều; nhiều nghiên cứu khoa học - công nghệ được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, góp phần quan trọng thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị (Ảnh: Phi Anh)

Ngày 15/6, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng, hoạt động KH&CN tỉnh Hà Giang có những chuyển biến tích cực. Tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh đạt khoảng 8%; khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ được nâng lên; tỷ lệ nhiệm vụ phát triển KH&CN trong các lĩnh vực tương đối đồng đều, trong đó: nông, lâm nghiệp chiếm 35,6%; khoa học xã hội - nhân văn, y dược chiếm 26,6%; khoa học kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin chiếm 37,8%; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Giai đoạn 2012 - 2020 đóng góp của yếu tố tăng năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,26%; tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp bình quân đạt 1,36%/năm. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh dần được cải thiện và chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu.

Trong 10 năm qua, Hà Giang đã triển khai thực hiện 233 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN, trong đó có 21 nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ; 105 nhiệm vụ cấp tỉnh, 107 nhiệm vụ cấp cơ sở. Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đời sống, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 8 sản phẩm được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý; 17 nhãn hiệu chứng nhận; 13 nhãn hiệu tập thể; 153 nhãn hiệu độc quyền và 2 kiểu dáng công nghiệp. Đáng chú ý, những sản phẩm đặc trưng của Hà Giang như mật ong bạc hà Mèo Vạc, cam sành Hà Giang, chè Shan Tuyết Hà Giang, hồng không hạt Quản Bạ, thảo quả Vị Xuyên, bò vàng Hà Giang, cá bỗng Hà Giang, gạo tẻ Già dui Xín Mần với sự hỗ trợ của công nghệ đã nâng cao chất lượng, tạo dựng được thương hiệu đối với thị trường trong và ngoài nước, giúp tăng thu nhập bền vững cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham luận tại Hội nghị 

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung: Ứng dụng KH&CN vào chuyển đổi số, chính quyền số, cải cách hành chính; khó khăn, giải pháp ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng KH&CN trong phát triển bền vững cây cam sành Hà Giang; công tác chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Hà Giang; giải pháp huy động các nguồn lực để nhân rộng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất phục vụ phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch, công nghiệp hóa - hiện đại hóa...

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn khẳng định: Việc ứng dụng KH&CN đã góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn cần chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống để các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển khoa học và công nghệ; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ ở doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; tiếp tục ưu tiên nguồn ngân sách cho việc nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất phát triển kinh tế và quản trị xã hội.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn phát biểu kết luận Hội nghị

Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục chủ động sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật CNTT để số hóa, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động KH&CN. Chủ động, tích cực phối hợp với các vụ, viện, trường Đại học để bảo tồn, phục tráng các nguồn gen quý. Khuyến khích doanh nghiệp khoa học đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao. Tiếp tục hỗ trợ nông dân, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX tham gia nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất, du lịch, bảo tồn văn hóa…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực