|
Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Phương/BHG) |
Chiều 22/6, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh về khảo sát đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngày 4/11/2013 của BCH T.Ư Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đón tiếp, làm việc với đoàn, về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 29, tỉnh Hà Giang đã quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. Tính đến ngày 10/1/2023, toàn tỉnh có 17.649 cán bộ quản lý, công chức, giáo viên, giảng viên, nhân viên làm việc trong ngành GD&ĐT. Số giáo viên đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 85,14%. Nâng cao nhận thức của cấp ủy và toàn xã hội về thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa và phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Tính đến tháng 1/2023, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98,38% (tăng 3,93% so với năm 2013); tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 100% (tăng 0,72% so với năm 2013); tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 99,88%. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương năm 2020 là 82% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 29-NQ/TW). Đối với giáo dục nghề nghiệp, trong giai đoạn 2013 - 2023, đã đào tạo được 126.286 người; hoàn thành 100% mục tiêu đề ra. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật, công nghệ của thị trường lao động.
|
Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Phương/BHG) |
Tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các thành viên đoàn công tác đánh giá cao kết quả tỉnh Hà Giang đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Đảng. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát Nghị quyết số 29, quyết liệt đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục tốt hơn, bền vững hơn. Rà soát, xem xét việc phân bổ ngân sách hàng năm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bảo đảm đúng theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đối với những kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ xem xét đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với đổi mới giáo dục và đào tạo. Căn cứ vào đặc thù của địa phương, tới đây tỉnh sẽ ban hành đề án nâng cao chất lượng dạy và học trong từng cấp học. Nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém; chỉ đạo ngành Giáo dục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên các cấp học.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn khẳng định, thông qua các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc sẽ góp phần giúp Hà Giang tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời gian tới, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương./.