|
Với mô hình khởi nghiệp tiêu biểu, Vàng Nguyễn Minh Trang được T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tới thăm, tặng quà |
Nghỉ học về quê khởi nghiệp
Là người dân tộc Mông, Vàng Nguyễn Minh Trang được sinh ra và lớn lên từ vùng núi cao ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, nơi địa đầu Tổ quốc. Trang may mắn hơn nhiều bạn được bố mẹ cho đi học.
Hết lớp 12, cô quyết định theo học ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Tuy nhiên, do đây là trường ngoài công lập, điều kiện kinh tế gia đình không thể lo đủ 4 năm cho Trang ăn học tại thủ đô. Cô đã lựa chọn hướng đi mới là theo học ngành quản lý văn hóa của Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
Thế nhưng, việc học lại một lần dang dở vì học hết năm thứ nhất thì Trang phải lập gia đình, bởi phụ nữ người Mông ngoài 20 tuổi là đã “quá già” để kết hôn. Sau đó, Trang có em bé nên việc học hành đành gác lại. Trở về quê nhà, Trang luôn trăn trở làm thế nào để có thể khởi nghiệp từ những tài nguyên bản địa.
Vốn là người yêu các nét văn hóa truyền thống của quê hương, Trang quyết định thu gom hết gia tài từ đất đai, của cải của bố mẹ, ông bà để đầu tư khởi nghiệp, với việc xây một ngôi nhà độc đáo để đón khách du lịch đến trải nghiệm trên vùng cao.
Ngôi nhà có tên Zoong Xia Sảng Pủa (tiếng Mông có nghĩa là vui vẻ, hạnh phúc), tọa lạc ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. “Homestay Zoong Xia Sảng Pủa của tôi hội tụ kiến trúc của 5 dân tộc tiêu biểu của huyện nhà. Mái nhà, cửa chính, bản cửa hai bên của dân tộc Mông. Gạch trình tường đại diện cho dân tộc Lô Lô. Cầu thang lên xuống đại diện cho dân tộc Tày. Khung nhà đại diện cho dân tộc Giáy, Dao”, Trang cho biết.
|
Không gian đẹp mắt của homestay Zoong Xia Sảng Pủa |
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, đến với homestay của gia đình Trang, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa thú vị của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong khu vực nhà được trưng bày những sản phẩm văn hóa của địa phương như: trang phục dân tộc, các đồ dùng dân tộc, cối xay đá người Mông, khèn Mông…
Du khách cũng được thưởng thức các sản vật địa phương và mua về làm quà những đặc sản từ thiên nhiên như tam thất mật ong và các thảo dược của đồng bào dân tộc. Đặc biệt, du khách sẽ được ăn với dân, ở với dân, có thể trải nghiệm lên nương làm rẫy để hiểu về phong tục tập quán của bà con dân tộc.
Muốn lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Chia sẻ về việc khởi nghiệp với mô hình này, Trang cho biết, huyện Mèo Vạc có rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng mà du khách có thể khám phá như: chợ tình Khâu Vai, đỉnh đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ…
Đặc biệt, đây là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của vùng cao.
“Cộng đồng các dân tộc nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và nó đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
|
Căn nhà dành cho khách đến lưu trú, trải nghiệm văn hóa du lịch ở Mèo Vạc |
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần biến đổi, thậm chí mai một. Vì thế, mình đã tiên phong xây dựng mô hình khởi nghiệp này để lan tỏa những nét đẹp của quê hương đến với du khách”, Trang chia sẻ.
Đồng thời, với mô hình khởi nghiệp "không khói" này, Trang mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc khởi nghiệp của Trang cũng gặp không ít khó khăn, do 2 năm qua dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch tổn thất nặng nề. Mô hình của Trang vừa được xây dựng, nhưng đã không thể đi vào hoạt động cho đến trước khi diễn ra chợ tình Khâu Vai (27/3/2022).
Sơn nữ cũng cho biết, trong tương lai, cô muốn phát triển trang trại gà đen bản địa là nguồn thực phẩm sạch để phục vụ du khách. Đồng thời, xây dựng một bể bơi nho nhỏ để tạo sân chơi cho các em vùng cao và trang bị những kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em.
|
Nơi du khách được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và khám phá những nét văn hóa ở vùng cao Hà Giang |
"Mình muốn mô hình sẽ là điểm đến thân thiện để du khách sẽ yêu phong tục tập quán, kiến trúc, văn hóa truyền thống của địa phương”, Trang bày tỏ.
Với những nỗ lực của mình, vừa qua, trong khuôn khổ tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên” được tổ chức tại huyện Mèo Vạc, T.Ư Đoàn và T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã đến thăm mô hình khởi nghiệp của gia đình Trang và trao nguồn kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng./.