|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Kim Tiến) |
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh Hà Giang diễn ra ngày 29/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; các huyện, thành phố đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 8/2022 và đạt được một số kết quả quan trọng. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cũng biểu dương các ngành, địa phương có tiến độ giải ngân tốt, đồng thời nghiêm túc nhắc nhở những đơn vị chưa thực hiện giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp.
Về nhiệm vụ trong tháng 9 và thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, căn cứ vào tình hình thực tiễn để chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo điều hành thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên từng lĩnh vực, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; hoàn thành xây dựng các Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về triển khai 03 Chương trình MTQG; linh hoạt, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô đầu tư lớn; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tập trung triển khai các bước tiếp theo của dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Về 3 dự án đầu tư hạ tầng y tế cơ sở thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cần khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư, trong đó tập trung lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Hoàn thành xây dựng các nghị quyết HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia. Các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành phê duyệt danh mục đầu tư 3 chương trình mục tiêu Quốc gia và triển khai thủ tục đầu tư để phấn đấu giải ngân các nguồn vốn.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2023 cụ thể, sát thực tế; chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đảm bảo thời vụ, thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn trong khai thác và chế biến khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoạt động thương mại điện tử; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.
Cùng với đó, triển khai các nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực. Giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; chủ động hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định. Tiếp tục triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trước, trong và sau kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9...
|
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Kim Tiến) |
Theo báo cáo tại phiên họp, trong tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục duy trì phát triển ổn định. Các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19. Các ngành, địa phương đã tập trung triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt; công tác chuẩn bị và tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch đảm bảo chu đáo; l ượng khách du lịch đến Hà Giang trong tháng đạt 115.000 lượt du khách. Lũy kế 8 tháng lượng khách du lịch đạt 1.400.638 lượt khách, tăng 110,8% so với cùng kỳ năm 2021. Chuẩn bị tốt các điều kiện đón học sinh tựu trường, tổ chức khai giảng năm học mới . Tổng dư nợ tín dụng đạt 27.923 tỷ đồng, tăng 51 tỷ đồng so với tháng trước (tương đương tăng 0,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.184,9 tỷ đồng, tăng 1,67 % so với tháng trước và tăng 20,47 % so với cùng kỳ …
Phiên họp cũng xem xét và cho ý kiến vào các tờ trình về: Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; quyết định hướng dẫn phương pháp xây dựng phương án giá, quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống đường bộ địa phương sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh...