|
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Phi Anh) |
Trong hai ngày 18-19/9, 238 đại biểu đại diện cho trên 42 nghìn đoàn viên công đoàn trên địa bàn tỉnh đã về dự Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028, được tổ chức tại Hội trường lớn Tỉnh ủy.
Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các huyện, thành phố…
Với chủ đề “Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, sáng tạo; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, vì Hà Giang phát triển”, Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XVII có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023; kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XVI; góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII và góp ý sửa, đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XVII; bầu đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
|
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Phi Anh) |
21/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh đã bám sát Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn tỉnh Hà Giang, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và các nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện; xác định mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu hàng năm để tổ chức thực hiện. Trong số 12 chỉ tiêu chung, 22 chỉ tiêu cụ thể, có 12 chỉ tiêu đạt trên 100% và 09 chỉ tiêu đạt 100%.
Các cấp công đoàn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia hoạt động công đoàn. Công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên, người lao động được nâng lên; kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khi gặp khó khăn hoặc rủi ro. Chương trình “Tết Sum vầy” hằng năm với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như hỗ trợ 3.550 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 1,3 tỷ đồng; đón gần 400 công nhân lao động đang làm việc ngoài tỉnh về quê ăn tết; tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn”, hỗ trợ phiếu mua hàng giảm giá trên 2.000 đoàn viên... đã góp phần giúp đoàn viên, công nhân lao động được đón tết đầm ấm, qua đó gắn kết hơn với tổ chức công đoàn. Các hoạt động xã hội luôn được các cấp công đoàn quan tâm triển khai, vận động đoàn viên, người lao động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; hưởng ứng phát động của tỉnh về ủng hộ làm nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, các gia đình chính sách với số tiền hàng chục tỷ đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao trình độ cho đoàn viên, người lao động. Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn tổ chức và phát động đã có những đóng góp tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được chú trọng, nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, vì đoàn viên, người lao động. Công tác kiểm tra thực hiện Điều lệ công đoàn, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động được thực hiện thường xuyên; hoạt động tài chính, tài sản công đoàn đi vào nề nếp, hiệu quả. Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tập trung thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu; nhiều kiến nghị của công đoàn được cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời. Công tác chỉ đạo điều hành của công đoàn cấp trên cơ sở có sự linh hoạt, thích ứng với thực tiễn.
Đến nay, tổng số đoàn viên, người lao động toàn tỉnh có 42.355 người. Chất lượng, trình độ của đoàn viên, người lao động được nâng lên cả về chính trị, chuyên môn, tay nghề và ý thức chấp hành kỷ luật lao động; tiếp cận nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, nhiều sáng kiến và giải pháp kỹ thuật được áp dụng mang lại giá trị làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Có thể khẳng định, kết quả hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ qua, đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
|
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nội dung tại Đại hội. (Ảnh: Phi Anh) |
Tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định: trong thời gian tới, hoạt động của tổ chức công đoàn dự báo sẽ có những thuận lợi, khó khăn đan xen, đòi hỏi các cấp công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, quyết tâm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị: Công đoàn các cấp tỉnh Hà Giang nâng cao hiệu quả công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, trọng tâm là khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã. Cùng với đó, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua do Trung ương và tỉnh phát động; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp chỉ đạo phong trào phù hợp với thực tiễn tạo sự đổi mới và động lực thúc đẩy phong trào, chú trọng tôn vinh các mô hình tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong mỗi phong trào thi đua…
Tại Đại hội, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng ghi nhận những kết quả, tiến bộ của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn của tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Những kết quả trên là kết tinh của sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể đoàn viên, cán bộ, viên chức, lao động, khẳng định vai trò, vị trí và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang.
Nhấn mạnh những kết quả đạt được là rất cơ bản và quan trọng, là điều kiện, tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị tổ chức công đoàn các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống của giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam đến đoàn viên, người lao động. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng tư tưởng cho công nhân, viên chức, lao động. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động trong tổ chức Công đoàn phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng.
Tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tạo sự gắn kết giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, để Công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo"; đồng thời, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua do tỉnh phát động.
“Điều quan trọng là phải đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp chỉ đạo phong trào phù hợp với thực tiễn; thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; thi đua phải gắn với vị trí việc làm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chú trọng công tác xây dựng và nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; công tác khen thưởng phải kịp thời, công bằng, đúng đối tượng để tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua” - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nêu rõ.
Các tổ chức công đoàn cần chú trọng thực hiện tốt công tác đoàn viên, từ việc phát triển đoàn viên mới, thành lập công đoàn cơ sở trong các thành phần kinh tế, quản lý đoàn viên đến việc nâng cao chất lượng đoàn viên. Làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu về pháp luật, có năng lực vận động quần chúng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"…
Quyền Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn tỉnh Hà Giang sẽ có bước phát triển mới, toàn diện, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua những khó khăn, thử thách, đưa tỉnh Hà Giang có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.
|
hủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa, chúc mừng BCH LĐLĐ tỉnh Khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt Đại hội. (Ảnh: Phi Anh) |
Với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển”, Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang đã bầu 33 đồng chí vào Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2023-2028; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII gồm 9 đồng chí.Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã tiến hành bầu BTV, Ủy ban Kiểm tra, chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XVII. Đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh khóa XVI được bầu giữ chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Tại Đại hội, các đại biểu thông qua Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVII với 3 khâu đột phá, 15 nhóm chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn, đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu có ít nhất 95% trở lên công đoàn cơ sở tham gia với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động xây dựng, ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hàng năm 100% đoàn viên, người lao động khu vực hành chính, sự nghiệp, 80% trở lên đoàn viên, người lao động khu vực doanh nghiệp nơi có tổ chức công đoàn được học tập, cung cấp thông tin, phổ biến về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Công đoàn; phấn đấu 100% đoàn viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc cam kết xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và xây dựng nếp sống văn minh; 100% công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ sủ dụng lao động tổ chức phát động và duy trì có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước;…/.