Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

Thứ tư, 02/12/2020 14:21
(ĐCSVN) - Công tác thi đua, khen thưởng của các cấp Công đoàn Thủ đô, giai đoạn 2015 - 2020 đã được đổi mới, có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Trao thưởng cho các điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 về "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô năm 2020". (Ảnh: laodongthudo.vn)

 Dấu ấn từ các phong trào thi đua

Tại hội nghị điển hình tiên tiến công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025 mà Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố vừa tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi” và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trong 5 năm qua, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện các phong trào thi đua một cách thường xuyên, liên tục, trọng tâm là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Văn hóa, thể thao” …

Phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được LĐLĐ Thành phố khởi xướng và phát động từ năm 2007 đến nay, phong trào được lãnh đạo chuyên môn và công nhân lao động ở hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhiệt tình hưởng ứng, qua đó nhằm động viên công nhân lao động trực tiếp sản xuất tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đạt năng suất chất lượng hiệu quả trong công việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, nhiều đơn vị cơ sở giám đốc doanh nghiệp đã chủ động cùng với Ban chấp hành công đoàn cơ sở tập trung chỉ đạo phong trào hướng vào việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định và tạo cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí khen thưởng động viên kịp thời công nhân giỏi cấp mình.

Qua 5 năm triển khai phong trào, toàn Thành phố có trên 243.500 công nhân, lao động được công nhận danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở; 8.755 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi cấp trên cơ sở”; UBND Thành phố tặng bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô” cho 320 cá nhân. Trong đó, có 290 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Từ năm 2018, để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 23/HD-LĐLĐ ngày 16/11/2018 về triển khai phát động, thực hiện xét chọn công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô”, từ đó làm cơ sở đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND Thành phố xét tặng Bằng “Lao động sáng tạo” và Bằng “Sáng kiến Thủ đô”. Qua 3 năm phát động và thực hiện xét chọn theo quy định mới, phong trào tiếp tục được duy trì phát triển, khẳng định hiệu quả, tác dụng to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Riêng năm 2020, toàn Thành phố có 16.015 cá nhân được tặng danh hiệu ”Sáng kiến cấp cơ sở”; 960 cá nhân được tặng danh hiệu “sáng kiến cấp trên cơ sở”, Hội đồng sáng kiến LĐLĐ Thành phố đã xét tặng Bằng công nhận “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” cho 50 cá nhân có sáng kiến xuất sắc nhất. Trong đó có 44 sáng kiến, cải tiến thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh làm lợi hơn 238 tỷ đồng; 4 đề tài khoa học xuất sắc được áp dụng vào thực tế sản xuất; 2 giải pháp sáng tạo đạt giải cao trong các Hội thi, thao diễn kỹ thuật toàn quốc và của Thành phố mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” được LĐLĐ Thành phố khởi xướng từ năm 2007, ngày 8/8/2007 UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành QĐ số 90/2007/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế xét tặng  “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, được UBND và LĐLĐ Thành phố phối hợp xét tặng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 và được UBND Thành phố ra quyết định công nhận là một phong trào và danh hiệu thi đua của Thành phố Hà Nội. Phong trào đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước, góp phần giải quyết khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Trong 5 năm qua, phong trào đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 8.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, thông qua Hội đồng tư vấn, Chủ tịch UBND Thành phố đã tặng Bằng khen công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” cho 320 cá nhân, trong đó có 290 sáng kiến được tính giá trị làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” đã được LĐLĐThành phố triển khai phát động trong khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hằng năm, đã có hơn 1.450 doanh nghiệp phát động và tổ chức Hội thi thợ giỏi ở cấp cơ sở, thu hút trên 41.000 công nhân lao động tham gia; trong đó, tập trung ở lĩnh vực cơ khí, dệt may chiếm tỷ lệ cao (với 798 cuộc; thu hút 27.810 công nhân lao động tham gia); Các Công đoàn cấp trên cơ sở và cấp trên cơ sở, LĐLĐ quận huyện, thị xã, Công đoàn ngành đã lựa chọn những thí sinh xuất sắc nhất tham gia hội thi cấp Thành phố được tổ chức 2 năm/lần.

Thông qua Hội thi đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi” trong công nhân lao động. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất và phục vụ đời sống, góp phần tăng năng suất lao động; giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động.

Các gương điển hình tiên tiến giao lưu tại Hội nghị. (Ảnh: laodong.vn)

 

Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình

Cùng với thiết thực mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, các phong trào thi đua mà tổ chức Công đoàn Thủ đô phát động triển khai trong 5 năm qua còn giúp xuất hiện nhiều điển hình tiên tiên tiêu biểu là các tập thể, cá nhân là người tốt, việc tốt; công nhân giỏi; lao động sáng tạo được Thành phố và các cấp, ngành công nhận, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến các tập thể: Công đoàn phường Thượng Thanh quận Long Biên; Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10; Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công đoàn Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn…

Hay các cá nhân tiêu biểu như cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên, Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Cô Hòa đã có gần 20 năm duy trì lớp học tình thương, dìu dắt miễn phí cho hơn 60 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ hoặc mắc các hội chứng đặc biệt ở các độ tuổi khác nhau. Tấm lòng nhân hậu, việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cô Hòa không chỉ góp phần nâng tầm suy nghĩ, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, giáo viên, người lao động của nhiều trường học, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để mọi người làm thêm nhiều việc tốt, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Một gương mặt cá nhân điển hình tiên tiến khác là công nhân Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ Môi trường 1 - Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Chị Thanh Hiếu đã có 29 năm gắn bó với công việc của công nhân vệ sinh môi trường. Dù công việc đầy vất vả cực nhọc, hầu như năm nào cũng đón giao thừa trên các con đường, tuyến phố, nhưng chị luôn tận tâm, trách nhiệm, giữ sáng, sạch, đẹp các tuyến phố trên địa bàn phụ trách.

Hay chị Phan Thị Thu Hằng - Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên, một cán bộ công đoàn giàu nhiệt huyết và sáng tạo. Chịu trách nhiệm quản lý gần 300 công đoàn cơ sở với trên 12 nghìn đoàn viên, chị đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích thỏa đáng cho người lao động. Tiêu biểu như mô hình Thẻ ưu đãi cho đoàn viên công đoàn, “Chuyến xe ô tô miễn phí đưa công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, vận động trên 80% doanh nghiệp trên địa bàn quận ký kết được thỏa ước lao động tập thể…

Mỗi cá nhân điển hình tiên tiến ở những cương vị công tác, những lĩnh vực ngành nghề khác nhau, nhưng điểm chung của họ là tình yêu công việc, thường xuyên có sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất; có giải pháp, mô hình hay được áp dụng trong thực tiễn, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng xã hội văn hóa, văn minh. Ghi nhận những kết quả đã đạt được, LĐLĐ Thành phố đã quyết định tôn vinh, khen thưởng 85 tập thể và 96 cá nhân Điển hình tiên tiến xuất sắc và 50 cá nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” năm 2020.

Để phong trào thi đua trong CNVCLĐ giai đoạn 2021-2025 tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ tập trung hướng về cơ sở với phương châm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Từ phong trào thi đua, xây dựng, phát hiện, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, sáng tạo xuất sắc. Đặc biệt là quan tâm động viên phát huy những sáng kiến, cải tiến trong sản xuất, để tập hợp thu hút đông đảo công nhân, viên chức, lao động cùng tích cực tham gia./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực