Đi tìm lời giải cho “bài toán” xử lý chất thải làng nghề

Thứ hai, 07/12/2020 15:39
(ĐCSVN) - Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các làng nghề, nhất là ô nhiễm nước thải. Tuy nhiên, để thực sự đem lại hiệu quả cao nhất cần phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ và bền vững.

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận nhưng không ít trong số đó đang phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, với tổng doanh thu khoảng 22.000 tỷ đồng, các làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế của các làng nghề, thành phố (TP) phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước thải, rác thải... kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn trong xử lý. Qua đó đặt ra “bài toán” cần phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ và hiệu quả, bền vững.

 

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận (Ảnh: Hà Sơn)

Chỉ 5,2% tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý

Theo kết quả khảo sát và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020 của Sở NN&PTNT Hà Nội, có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%...

Nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn Coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần; cá biệt, có nơi lên tới hàng trăm, ngàn lần. Với hàm lượng các chất ô nhiễm rất cao, việc xả thẳng nước thải khối lượng lớn tại các làng nghề ra môi trường đã khiến hệ thống nước mặt cũng như nước ngầm tại các làng nghề Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Ngoài nước thải, chất thải rắn làng nghề cũng là một vấn đề đáng chú ý. Đó là tất cả các loại chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất ở các làng nghề như từ quá trình chế biến nông sản thực phẩm (làm bún, làm bánh cuốn, sản xuất tinh bột…), sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, tái chế phế liệu (tái chế kim loại, tái chế giấy, tái chế nhựa…), dệt may, đồ da, sản xuất gốm sứ và vật liệu xây dựng… Việc phân loại rác thải rắn nói chung và ở các làng nghề không được phân loại để tái sử dụng, mà được vận chuyển về khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hoặc Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) để xử lý. Mặt khác, do giá thu gom rác thải công nghiệp nguy hại khá cao từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg, nên vẫn còn hiện tượng người dân đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải ở một số nơi, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan khu vực nông thôn.

Để hạn chế ô nhiễm, những năm qua TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch bảo vệ, cải tạo môi trường, tuy nhiên hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề trên địa bàn TP vẫn chuyển biến chậm. Chia sẻ về những bất cập trong việc bảo vệ môi trường làng nghề, đồng chí Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Phần lớn các làng nghề trên địa bàn TP đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng sự hình thành, phát triển của các làng xã. Các làng nghề không chỉ có hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Vì vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong làng nghề, hầu hết đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý nước thải sản xuất tại các làng nghề. Lực lượng cán bộ quản lý môi trường cấp huyện còn thiếu, cán bộ chuyên trách về môi trường xã, phường, thị trấn còn yếu, chưa đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ môi trường;…

Thực tế diễn ra tại một số địa phương như tại huyện Thường Tín - nơi hiện có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động với 5 cụm công nghiệp làng nghề - việc giải quyết di dời một số cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư đến địa điểm cụm, điểm công nghiệp làng nghề còn hạn chế do đặc điểm của các làng nghề là đối tượng lao động tham gia làm nghề là các thành viên của hộ gia đình (người già và trẻ em) có hoạt động sản xuất kinh doanh ngay tại nơi sinh sống. Trước đó, huyện đã giải quyết di chuyển được trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư các làng nghề đến thuê đất hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp tập trung.

Hay như tại huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định: Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều trên địa bàn huyện mặc dù đã được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung nhưng do thời gian đã lâu, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải tập trung của các doanh nghiệp. Ngoài ra, một số làng nghề do quy mô sản xuất thủ công, theo thời vụ, phân tán nên chưa có điều kiện đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung dẫn đến các hộ phải chủ động xử lý chưa đảm bảo quy chuẩn theo quy định.

 

Kiểm tra chất lượng nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, huyện Hoài Đức (Ảnh: tuoitrethudo.com.vn)

Để những "làng nghề xanh" phát triển bền vững

Theo đồng chí Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường làng nghề, trước hết phải chú trọng đến các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt; ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề. Đồng thời các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình. Xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Đồng chí nhấn mạnh, cần di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải. Bên cạnh đó, tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để đưa vào “danh sách đen” làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường...

TP Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, tạo ra những bước chuyển tích cực trong công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững như Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2016-2020; Ðề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo 6 nhóm ngành, nghề sản xuất chính: Thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy…).

Ðồng thời, đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn như: Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu huyện Hoài Đức công suất 20.000m3/ngày đêm đã hoàn thành, quản lý vận hành từ tháng 10/2016; Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, 8.000m3/ngày đêm đã được khởi công tháng 12/2015, hiện tại nhà máy đã cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, Thành phố đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường làm chủ đầu tư, tổ chức kêu gọi xã hội hóa đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh, Hoài Đức với công suất 4.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, công suất 1.000m3/ngày đêm; giao UBND huyện Mỹ Đức triển khai Dự án xử lý nước thải làng nghề Phùng Xá với công suất 500m3/ngày;...

Xác định tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, TP cũng đặt hàng các nhà khoa học triển khai các công trình nghiên cứu xử lý chất thải tại các làng nghề. Giao Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình thí điểm về: ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất và nâng cao giá trị và hiệu quả cho đơn vị sản xuất; xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp;...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới; đồng thời, nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư; đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất. Tuy nhiên, cùng với các giải pháp của chính quyền, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của các đoàn thể trong triển khai các phong trào thi đua bảo vệ môi trường, kết hợp với nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư địa phương có làng nghề và người trực tiếp sản xuất kinh doanh tại các làng nghề thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực