Vùng sáng của văn hóa Hà Nội

Thứ ba, 25/06/2024 08:37
(ĐCSVN) - Trong mảng mầu văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nội, nghệ thuật trình diễn dân gian đầy màu sắc với những phong tục thiêng liêng, luôn là một nhịp cầu văn hóa kết nối cộng đồng và lan tỏa bản sắc Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước, vùng đất hội tụ, chắt lọc trí tuệ, tâm hồn của cả nước, nơi lưu giữ những dấu ấn tiêu biểu về đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Thủ đô Hà Nội đang lưu giữ trên 1000 lễ hội truyền thống, các lễ hội truyền thống mang dấu ấn văn hiến ngàn năm của Thủ đô, thể hiện rõ nét tinh thần, đặc trưng nguồn gốc văn hóa, lịch sử cũng như những khát vọng của người Việt và của người Thăng Long xưa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trong di sản múa dân gian Việt Nam, riêng Thủ đô Hà Nội lưu giữ khoảng 100 điệu múa cổ, ở nhiều loại hình như múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo. Tiêu biểu có các điệu “múa Ải Lao” hội Gióng, “múa đèn” hội Đền Hai Bà Trưng, “múa chạy cờ”, xã Tân Triều (Thanh Trì), “múa rắn” ở làng Lệ Mật (Gia Lâm), “múa roi” làng Cót, “múa chén” làng Mọc, “múa rồng lửa” ở Khương Thượng, múa "cởi vú mo" ở lễ hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh, múa "canh nông" hội làng Cư An (Mê Linh), “múa lục cúng” hoa đăng chùa Minh Quang (Đống Đa), múa “chèo tầu” xã Tân Hội (Đan Phượng); múa “chèo cạn” ở phường Bưởi…

Hát, múa Ải Lao - một nghi thức cổ trong hội Gióng, làng Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) do phường Ải Lao, làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên thực hành. Ải Lao gồm múa hành lễ và múa nghi lễ, thực hành khi làm lễ trình trước ban thờ Thánh Gióng. Phường hát múa Ải Lao hiện lưu giữ, bảo tồn được 12 bài hát cổ. Cách hát, biểu diễn, cách đánh trống, đánh chiêng và đánh xinh, cách làm lễ thánh vẫn theo lề lối cổ xưa. Các bài hát có nội dung ngợi ca Thánh Gióng và Đức Mẫu. Khi mở Hội, thực hành như: Hát khi vào đền dâng lễ, hát thờ đền Thượng, hát thờ đền Thánh Mẫu, hát sử, hát kéo hội đi đường, hát rước hội xuống đồng vào giá ngự, hát câu cá, hát về cây tre, hát săn hổ, hát về đền sau khi thắng trận.

Hồ Gươm Hà Nội.

Múa dân gian còn gắn kết với lễ hội cổ truyền, tạo lên chỉnh thể vẻ đẹp văn hóa lễ hội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc như điệu múa đèn trong lễ hội Hai Bà Trưng, hằng năm diễn ra từ mồng 4 – 7 tháng Hai, do nhân dân phường Đồng Nhân, Hà Nội tổ chức, để tưởng nhớ công lao đánh đuổi giặc cứu nước của Hai Bà. Lễ hội Hai Bà trưng nổi bật với ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước của Hà Nội; Múa trống Bồng một trong 20 điệu múa cổ khác của Hà Nội đang lưu giữ, điệu múa độc đáo với các vũ công đều là những người con trai giả gái khi biểu diễn, mang dấu ấn về lịch sử, văn hóa vùng đất Thăng Long - Hà Nội.

Qua mỗi điệu múa dân gian Việt Nam người xem thấy được những sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ của các bậc tiền nhân hay phong tục tập quán, những mối quan hệ xã hội đương thời. Đặc biệt là ý nghĩa biểu đạt đời sống tín ngưỡng, đạo đức con người, có thể thấy rõ nét qua các điệu múa xuất hiện trong các nghi lễ thờ cúng thần Phật, thánh Tản Viên, đạo Mẫu hay phong tục thờ cúng Hùng Vương.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập thế giới hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc ví như một ký hiệu để phân biệt lẫn nhau. Đồng thời mang ý nghĩa chống lại sự “hòa tan” khi giao thoa với các nền văn hóa lớn khác trên thế giới. Bởi vậy bản sắc văn hóa là niềm kiêu hãnh mỗi quốc gia, cần được giữ gìn và tiếp nối của các thế hệ.

Trong trong tiến trình hội nhập quốc tế, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2019, Hà Nội chính thức ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, tiếp tục khẳng định bản sắc của Hà Nội.

Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo”, sự phát triển dựa trên bảo tồn nền tảng văn hóa truyền thống đang là động lực quan trọng để Thủ đô Hà Nội vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn trên các mặt đời sống, xã hội ở thời kỳ mới. Đồng thời giới thiệu tới bạn bè quốc tế một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách, giàu bản sắc.../.

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực